Đồng bộ hệ thống thoát nước để chống ngập cho Vũng Tàu
Những năm qua, ngân sách đã tăng cường đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước tại TP. Vũng Tàu nhưng chỉ một trận mưa lớn đã gây ngập úng trên nhiều tuyến đường. Do đó, TP. Vũng Tàu cần sớm triển khai các biện pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Một đoạn kênh Rạch Bà bị các hộ dân lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy |
Còn 17 điểm ngập cục bộ
Trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ diễn ra vào ngày 20/7 vừa qua đã khiến một số tuyến đường trên địa bàn TP.Vũng Tàu bị ngập úng cục bộ. Ngập sâu nhất là khu vực đường 30/4, đoạn từ ngã ba đường 30/4-Lê Quang Định đến ngã ba đường 30/4-Nguyễn Hữu Cảnh (ngập hơn 50cm) khiến nhiều phương tiện bị chết máy, giao thông tê liệt.
Nhiều ô tô đi qua đoạn đường này bị ngập đến nửa xe, không thể nổ máy, phải nhờ đến các phương tiện cứu hộ giải cứu. Mặc dù, tại các điểm ngập, hơn 160 công nhân, kỹ thuật của Công ty cổ phần Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Busadco) thường xuyên túc trực vớt rác, lật tấm đan thoát nước để khơi thông dòng chảy nhưng phải mất hàng giờ đồng hồ nước ở khu vực ngập sâu mới tiêu thoát hết.
Theo khảo sát của Busadco, hiện nay TP. Vũng Tàu có 17 điểm ngập úng cục bộ và 4 điểm thoát nước chậm. Trong đó, các điểm thường xuyên ngập sâu gồm: Lưu vực Bãi Trước; lưu vực kênh Bến Đình; lưu vực hồ Bàu Trũng; lưu vực hồ Rạch Bà; đường 30/4 (đoạn từ giao lộ Lê Quang Định đến Nguyễn Hữu Cảnh); đường Nguyễn Thiện Thuật (đoạn từ Phạm Văn Dinh đến Nguyễn Hữu Cảnh) và ngã ba Bến Nôm giao Hàn Thuyên.
Trận mưa lớn hôm 20/7 khiến đoạn đường 30/4 từ Lê Quang Định đến Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập sâu. |
Theo Sở Xây dựng, trên cơ sở đề xuất của TP. Vũng Tàu và báo cáo, kiến nghị của Busadco, Sở Xây dựng đã chủ trì tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế. Qua đó, xác nhận TP. Vũng Tàu hiện tồn tại nhiều điểm ngập úng cục bộ và thoát nước chậm khi trời mưa. Nguyên nhân là do các khu vực này chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh hoặc có nhưng chưa đồng bộ; cống thoát nước quá tải hoặc chưa có cửa xả; 5 tuyến ống đúc thủ công được đầu tư đã lâu bị xuống cấp; kênh thoát nước bị người dân lấn chiếm; các cơ sở chế biến hải sản, lò giết mổ gia súc, gia cầm, nhà hàng xả thải trực tiếp ra kênh… Từ đó làm thu hẹp dòng chảy của đoạn kênh thoát nước chính hiện hữu từ đường Nguyễn An Ninh đến hồ Bàu Trũng.
Sở Xây dựng cũng xác nhận TP. Vũng Tàu có hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải trước khi xả vào các hồ điều hòa. Theo quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chuyên ngành thoát nước TP. Vũng Tàu được phê duyệt, hệ thống thoát nước đã được tính toán để bảo đảm tiêu thoát nước đến năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư theo quy hoạch nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước. Cụ thể, kế hoạch xây dựng hồ điều hòa mới đạt 13,2%; cống hộp các loại chỉ đạt 5,2%.
Công nhân Busadco tích cực nạo vét kênh thoát nước, mương, hồ, khơi thông dòng chảy |
Hoàn thiện hệ thống thoát nước
Trước thực trạng trên, Busadco kiến nghị, trước mắt UBND TP. Vũng Tàu chỉ đạo các phường, xã tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm, vật che chắn, cầu cống tạm dọc kênh thoát nước chính của thành phố (từ đường Nguyễn An Ninh đến phường 10, 11 và Rạch Dừa).
Ngoài ra, công ty cũng kiến nghị Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh, UBND TP. Vũng Tàu xây dựng, cải tạo các hồ điều hòa, các tuyến cống theo quy hoạch. Cụ thể các hồ điều hòa cần xây dựng, cải tạo gồm: hồ Cửa Lấp (80ha), hồ Bàu Trũng (70ha), hồ Rạch Bà (27ha), hồ Cây Khế (12ha). Các tuyến cống, kênh mương gồm: cống bao đón nước dưới chân núi Lớn; cống bao đón dọc kè Bến Đình; tuyến kênh thoát nước chính của TP. Vũng Tàu theo quy hoạch phân khu Bắc Sân bay; các cửa xả cho đường 30/4 phục vụ đoạn từ Lê Quang Định đến Nguyễn Hữu Cảnh và 11 điểm xử lý chống ngập theo đề xuất của Sở Xây dựng trong kế hoạch tổng thể chống ngập úng, chống ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Đồng thời xây dựng tuyến cống từ khu vực Bãi Trước (từ đường Nguyễn Trãi về hồ Bàu Sen), đường Bình Giã mới, đường Ngô Quyền giai đoạn 2; cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước đường Thùy Vân để xử lý ngập úng cho đường Thi Sách; xây dựng tuyến cống thoát nước đoạn còn lại đường Võ Thị Sáu từ điểm giao Phan Chu Trinh đến điểm giao Lạc Long Quân; sửa chữa, cải tạo tuyến mương hạ lưu khu vực chợ Rạch Dừa ra kênh thoát nước chính.
Theo ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, để chống ngập hiệu quả, TP. Vũng Tàu đã kiến nghị UBND tỉnh cho nạo vét các hồ điều hòa: Bàu Sen, Bàu Trũng, Rạch Bà, Cửa Lấp và khơi thông kênh mương để nước nhanh chóng tiêu thoát; bổ sung các đoạn cống còn khuyết, các cửa xả nhằm phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu, các tuyến thoát nước chính. Đồng thời tổ chức tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm, vật che chắn, cầu cống tạm dọc kênh thoát nước chính, xây dựng kè dọc 2 bên các tuyến kênh để tránh sạt lở, chống lấn chiếm... Mới đây, HĐND TP. Vũng Tàu cũng đã thông qua 12 hạng mục thoát nước trong các tuyến hẻm. Khi hệ thống thoát nước đồng bộ và hoàn thiện thì TP. Vũng Tàu mới hết điệp khúc “mưa là ngập”.
Tại TP.Vũng Tàu việc thoát nước chủ yếu theo hai hướng: thoát nước trực tiếp ra biển; hoặc nước mưa chảy về các kênh, hồ trước khi đổ ra biển. Hệ thống thoát nước TP.Vũng Tàu gồm 411,6km đường cống các loại với 6 hồ điều hòa, 2 cống điều tiết triều, 8 trạm bơm, 9 cống ngăn triều tại đê bao, 39 giếng tách dòng, 32 cửa xả chính.
Ông Nguyễn Sĩ Quế, Phó Giám đốc Ban Kinh tế Kỹ thuật Busadco
|
Bài, ảnh: QUANG VŨ