Dọn dẹp rác thải nhựa trên biển, ánh sáng cuối đường hầm
Trong số 5 đại dương trên thế giới, gồm Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương và Nam Băng Dương thì Thái Bình Dương là nơi chứa rác thải nhựa nhiêu nhất. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy trên vùng biển này, có một bãi rác thải diện tích 1,6 triệu km2. Nó là mối đe dọa hiện hữu đối với môi trường và nhiều loài sinh vật biển.
10.000kg rác thải sau mỗi lần kéo lưới của Ocean Cleanup được ví như ánh sáng cuối đường hầm. |
Được đặt tên là Great Pacific Garbage Patch, bãi rác thải khổng lồ trên biển chứa phần lớn các vật dụng bằng nhựa như chai lọ, túi nylon, các mảnh vỡ của đồ gia dụng như thau chậu, rổ rá, xô, can, ghế, lưới đánh cá và gần đây là khẩu trang y tế, quần áo chống dịch COVID-19…, do ngư dân và một số tàu thuyền vứt bỏ nhưng chiếm đa số vẫn có xuất xứ từ những bãi rác dọc theo bờ biển, bị sóng cuốn ra xa rồi được những dòng hải lưu đưa đẩy, tụ lại thành mảng lớn. Một nghiên cứu của Viện Hải dương Mỹ cho thấy chỉ trong năm 2020, đã có 1.200 triệu tấn rác nhựa được đổ ra biển và con số này có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2040.
Sự nguy hiểm của hầu hết rác thải ở bãi Great Pacific Garbage Patch không phải là những vật nổi trên mặt nước, mà là những mảnh nhựa nhỏ, có mảnh nhỏ hơn hạt gạo, lơ lửng ở phía dưới, rất khó phát hiện bằng mắt thường. Các khảo sát của tổ chức phi lợi nhuận “The Ocean Cleanup - Làm sạch biển” đã chứng minh rằng cứ 100 con cá heo thì có 12 con nuốt phải túi nylon, đặc biệt là những loại túi màu trắng đục vì nó tưởng nhầm với loài mực nang nhưng với cá trích, trong 100 con thì có đến 70 con nuốt phải những mảnh nhựa nhỏ, chưa kể cá voi cũng nuốt vì nó chẳng khác gì loài sinh vật phù du, thức ăn của cá voi. Nếu lượng rác thải nuốt vào ít, cơ thể cá có thể tự đào thải nhưng nếu nhiều, nó sẽ chết. Vẫn theo những khảo sát của The Ocean Cleanup, hiện tại có 240 loài sinh vật biển mang trong cơ thể nó các phân tử nhựa có nguồn gốc từ rác thải.
Vì thế, giải quyết bãi rác Great Pacific Garbage Patch với diện tích gần 3 lần nước Pháp, chứa 79.000 tấn nhựa là vấn đề đang được các tổ chức bảo vệ môi trường biển đặc biệt quan tâm, trong đó Ocean Cleanup đề ra mục tiêu loại bỏ 90% lượng rác nhựa ở bãi này vào năm 2040. Tiến sĩ Boyan Slat, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Ocean Cleanup cho biết: “Điều đáng nói là tất cả những loại rác thải nhựa rất khó phân hủy trong môi trường nước biển. Nếu như trên mặt đất, dưới tác động của ánh nắng, nhiệt độ, 1 túi nylon đựng hàng hóa bình thường làm bằng Polyethylene mật độ cao (HDPE) chẳng hạn thì phải mất 60 năm mới có thể phân hủy hoàn toàn nhưng trong nước biển, thời gian này là gấp đôi”.
Để tiến hành thu dọn rác thải ở bãi Great Pacific Garbage Patch, tổ chức Ocean Cleanup đã bỏ ra 2 năm để nghiên cứu, đánh giá và phân tích nguồn gốc xuất xứ, thành phần, đặc tính của từng loại nhựa, cũng như tác động của những dòng hải lưu. Kết quả cho thấy việc thu gom rác thải nhựa bằng cách sử dụng lưới kéo của ngư dân mang lại hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thí nghiệm đầu tiên thực hiện năm 2018 thất bại vì lưới bị rách. Đến năm 2019, thí nghiệm tuy có vẻ thành công nhưng lẫn trong rác thải, một số loài cá cũng chết vì bị vướng vào lưới.
Giữa năm 2020, một lần nữa Ocean Cleanup thay đổi thiết kế. Bằng cách tạo ra tấm lưới hình chữ U dài 1km, đáy hình phễu, có gắn những thiết bị chiếu sáng để cá mắc lưới có thể tìm được lối thoát vì 2 tàu kéo chiếc lưới chỉ di chuyển với tốc độ 2,5km/giờ, chậm hơn rất nhiều so với tốc độ của đa số loài cá. Mỗi mẻ lưới, Ocean Cleanup kéo được 10.000kg rác thải nhựa có kích thước từ 5cm vuông trở lên. Số nhựa này được các tàu vận chuyển vào bờ để tái chế.
Với những mảnh nhựa có kích thước dưới 5cm vuông, 2 tàu kéo khác sẽ đi ngay phía sau 2 tàu kéo đầu tiên. Vẫn với tấm lưới dài 1km hình chữ U, đáy phễu, nhưng mắt lưới nhỏ hơn, có thể vớt được cả những mảnh nhựa diện tích chỉ 3mm vuông, nó sẽ gần như làm sạch vùng biển nơi nó quét qua mà không gây hại cho cá vì nó có nhiều lỗ thoát, một đàn cá mòi vẫn có thể an toàn dù bị lọt vào lưới. Tiến sĩ Boyan Slat, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Ocean Cleanup nói: “Để dọn dẹp bãi rác Great Pacific Garbage Patch, chúng tôi sẽ cần đến khoảng thời gian 5 năm với 10 đôi tàu kéo trong điều kiện việc đổ rác thải ra biển phải dừng lại”.
Theo Tổ chức bảo vệ môi trường Liên hợp quốc, việc loại bỏ 10.000kg rác thải nhựa trên biển chỉ sau 1 lần kéo lưới là một kỳ công, nhưng nó sẽ chẳng thấm vào đâu nếu con người vẫn xem đại dương là cái thùng rác tự nhiên, không giới hạn. Ông Miriam Goldstein, giám đốc Trung tâm về chính sách biển thuộc Viện nghiên cứu hải dương, Mỹ, nói: “Ocean Cleanup đã bỏ ra hàng chục triệu USD để phát triển công nghệ thu gom rác thải nhựa nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả bởi lẽ những hạt nhựa có kích thước từ 1mm trở xuống rất khó để thu hồi, nếu không muốn nói là không thể thu hồi được, trong đó có những loại cực kỳ nguy hiểm như Polystyrene (PS), Polycarbonat (PC), không được phép tái chế. Những loài cá khi ăn phải nhựa này thì do không thể tiêu hóa, các phân tử nhựa sẽ tích tụ trong gan, thậm chí là trong mô cơ cá rồi khi chúng ta ăn cá, chúng ta sẽ ăn luôn cả chất độc”.
Vì thế, dừng ngay việc đổ rác ra đại dương mới là mấu chốt của vấn đề. Ông Miriam Goldstein nói: “Việc thu dọn bãi rác Great Pacific Garbage Patch đã cho thấy ánh sáng cuối đường hầm nhưng ánh sáng ấy sẽ nhanh chóng bị dập tắt nếu chúng ta vẫn tiếp tục thói quen ném tất cả mọi thứ thừa thãi xuống biển, đặc biệt là các vật dụng bằng nhựa”.
VŨ CAO (Theo Natural)