Trẻ em sinh từ năm 2070 có thể vượt qua độ tuổi “bách niên giai lão”, sống đến tận 150 tuổi nhờ những tiến bộ đột phá trong công nghệ đảo ngược lão hoá.
Những gì từng được coi là một giấc mơ viển vông đang tiến gần hơn đến hiện thực, sau khi các nhà khoa học tìm ra cách thức đảo ngược quá trình lão hóa ở những con chuột già mà ít gây tác dụng phụ nhất có thể. Họ dự đoán công nghệ này sẽ sẵn sàng áp dụng cho con người sau vài thập kỷ nữa.
Tiến sĩ Andrew Steele, nhà sinh vật học và là tác giả của cuốn sách “Không tuổi: Khoa học giúp con người tăng thêm tuổi mà không già đi”, tin tưởng rằng các thử nghiệm lâm sàng về đảo ngược quá trình lão hoá ở người sẽ sớm diễn ra và đạt được thành tựu trong thời gian 50 năm tới.
Đồng quan điểm trên, Giáo sư Jurd Bahler, nhà di truyền học tại Đại học London (Anh), dự đoán công nghệ đột phá này có thể giúp kéo dài tuổi thọ lên đến 150 năm. Tuổi thọ trung bình hiện nay đối với nam giới và nữ giới ở Anh lần lượt là 79 tuổi và 82,9 tuổi. Trong khi đó, vòng đời của trẻ em chào đời tại Mỹ năm 2020 lại thấp hơn đáng kể, trung bình 74,2 năm đối với nam giới và 79,9 năm đối với nữ giới.
Nhận định của các chuyên gia kể trên được đưa ra vài tuần sau khi một nhóm nhà khoa học tại Viện Salk ở San Diego (Mỹ) đã “tua ngược” được quá trình lão hoá ở những con chuột đang ở độ tuổi trung niên và cao niên nhờ kỹ thuật trẻ hoá tế bào.
Họ đã cố gắng thiết lập lại một phần tế bào của chuột về trạng thái trẻ hơn bằng cách sử dụng bốn phân tử được gọi là yếu tố phiên mã Yamanaka.
Một số thí nghiệm trẻ hóa tế bào trước đây đã khiến chuột thí nghiệm bị ung thư hoặc suy tạng. Tuy nhiên, tình trạng này đã không xảy ra trong thí nghiệm mới của trường Đại học phát triển thành ung thư hoặc suy các cơ quan nhưng điều này đã không xảy ra trong thí nghiệm mới của Viện Salk.
Nhóm nghiên cứu trên cũng khẳng định rằng phương pháp điều trị này sẽ an toàn đối với con người, dựa trên những tín hiệu tích cực ở chuột. Theo kết quả nghiên cứu, có thể cần khoảng thời gian điều trị từ 7 - 10 tháng để ngăn chặn các tác dụng phụ không mong muốn của quá trình lão hóa.
Ngoài công dụng đảo ngược đồng hồ sinh học của con người, nó còn được kỳ vọng giúp giảm thấp nguy cơ về bệnh tim mạch và ung thư.
Giáo sư Bahler cho biết trong khi những biện pháp kéo dài vòng đời trước đây khiến con người sống lâu hơn nhưng lại ốm yếu hơn, thì biện pháp đảo ngược quá trình lão hoá của tế bào sẽ không gây tác dụng phụ này.
Ông nói: “Đã có sự gia tăng đáng kể về tuổi thọ trung bình trong 200 năm qua, từ 30 - 40 năm lên 80 năm như hiện nay. Nhưng vấn đề là con người sống lâu hơn và yếu ớt hơn. Họ vẫn có thể mắc ung thư khi chạm ngưỡng một độ tuổi nào đó”.
Theo ông, nếu thay đổi được cốt lõi của quá trình già đi, con người sẽ được sống khoẻ mạnh lâu hơn.
XUÂN CHI