Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang hình thức mua hàng mang về hoặc đặt hàng trực tuyến, dẫn đến nhu cầu sử dụng đồ hộp, túi ni lông gia tăng, kéo theo lượng rác thải nhựa gia tăng đáng kể.
Hộp xốp, ly nhựa, ống hút nhựa thải ra môi trường nhiều hơn từ các dịch vụ bán hàng mang đi. (Ảnh minh họa) |
Rác thải nhựa tăng 10-15%
Trong thời gian BR-VT thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, các dịch vụ mua bán hàng hóa đều qua đóng gói vận chuyển đến tận nơi người tiêu dùng. Rác bao bì, chủ yếu là túi ni lông tăng đột biến. Chị Thanh Thảo, chủ một cửa hàng bán rau, củ quả trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP. Vũng Tàu cho biết, 2 tháng nay, lượng túi ni lông chị dùng gói hàng tăng gấp đôi so với trước, khoảng 6 kg/tháng.
Không chỉ việc mua bán online tiêu tốn lượng lớn túi ni lông mà các hàng quán bán món ăn, thức uống cũng ngốn khá nhiều hộp xốp, túi ni lông phục vụ khách mang về. Đại diện quán bún chả Hồ Tây (32 Lê Lai) cho biết: “Từ khi toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 15, quán chỉ bán hàng cho khách đến mua về hoặc shipper giao tại nhà. Đa phần khách hàng không có thói quen mang theo hộp đựng nên chúng tôi phải dùng túi ni lông để giao đồ cho khách. Mỗi suất bún mang về phải sử dụng ít nhất 4 túi ni lông.
Ở một quán cơm tấm, bún chả..., để giao một suất cho khách hàng phải sử dụng từ 3-4 túi ni lông đựng canh, rau, nước mắm, hộp xốp đựng cơm, thức ăn… Với hàng trăm, hàng ngàn suất ăn, uống mỗi ngày, có thể thấy lượng rác từ túi ni lông, hộp nhựa, hộp xốp thải ra môi trường không hề nhỏ.
Vì tính tiện lợi và giá thành rẻ nên đồ nhựa dùng một lần là lựa chọn được ưu tiên của nhiều cửa hàng, quán ăn. Mặc dù vẫn có một số quán dùng ly giấy, ống hút giấy… hoặc vật dụng có thể tái sử dụng nhưng chi phí cao và phần lớn chỉ phục vụ tại quán chứ không áp dụng cho giao hàng tại nhà.
Theo Công ty CP Dịch vụ môi trường và đô thị Vũng Tàu ngày thường rác nhựa đã nhiều, chiếm 50% lượng rác thu gom, những ngày giãn cách, người dân mua thực phẩm mang về nhiều hơn nên lượng rác thải nhựa tăng từ 10%-15%.
Hạn chế dùng đồ nhựa để bảo vệ môi trường
Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, rác thải nhựa là mối nguy hại đối với môi trường và con người, phải mất hàng trăm năm mới có thể tiêu hủy hết. Khi xử lý rác thải nhựa bằng các phương pháp đốt hay chôn xuống đất như hiện nay, các vi nhựa sẽ lẫn vào nước, đất, không khí, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây ra hệ lụy đối với sức khỏe. Trong mùa dịch COVID-19, lượng rác thải tăng cao khiến việc xử lý rác thải nhựa càng khó khăn hơn.
Trước tình trạng trên, yêu cầu đặt ra đối với BR-VT là cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp để giảm thiểu việc sử dụng cũng như xử lý rác thải nhựa, tăng cường bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho hay, để hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” của Bộ TN-MT, Sở đã xây dựng kế hoạch riêng nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, đặc biệt là giảm thiểu tối đa việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong giai đoạn phòng dịch COVID-19 như hiện nay.
Theo đó, thời gian qua, sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích, hỗ trợ các DN, cơ sở tái chế chất thải chấp hành tốt pháp luật bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn, chất thải nhựa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, sở khuyến khích các đơn vị bán lẻ, siêu thị, cửa hàng thay thế túi ni lông khó phân hủy bằng túi thân thiện với môi trường, thay hộp xốp bằng hộp giấy, thay ống hút nhựa, ly nhựa bằng ly giấy, ống hút giấy… để giao hàng cho khách. "Mỗi một hành động nhỏ như vậy cũng sẽ góp phần bảo vệ môi trường", ông Hải nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ