.

Hạn chế việc mập mờ nhãn mác

Cập nhật: 21:26, 22/09/2017 (GMT+7)
Công nhân Công ty TNHH Xay lúa mì Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành) kiểm tra bao bì, nhãn mác trước khi đóng gói.
Công nhân Công ty TNHH Xay lúa mì Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành) kiểm tra bao bì, nhãn mác trước khi đóng gói.

Sau 3 tháng triển khai Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu đã tạo hành lang pháp lý để ngăn chặn nhãn mác chưa rõ ràng, gây hiểu lầm đối với người tiêu dùng. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, các DN trên địa bàn tỉnh đã chấp hành tốt những quy định mới về dán nhãn hàng hóa.

Thời gian qua, tình trạng hàng hóa không ghi ngày sản xuất, nơi sản xuất, ghi nhãn mác mập mờ, thiếu trung thực để đánh lừa người tiêu dùng khá phổ biến. Ngoài ra, tình trạng nhãn mác in sai quy cách về cỡ chữ, kiểu chữ hoặc dán nhãn mác không đúng vị trí quy định trên hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu không có tem nhãn phụ cũng là những sai phạm dễ gặp. Theo ông Lê Đình Hòe, chủ cửa hàng đồ gia dụng, điện tử Hai Tỷ (phường Long Tâm, TP. Bà Rịa), việc nhập nhèm tên mặt hàng bếp gas đã khiến không ít khách hàng mua phải sản phẩm kém chất lượng. Ví dụ trường hợp, bếp gas Napolis nhập khẩu nguyên chiếc từ Italia được bán với giá hơn 6 triệu đồng/chiếc, nhưng trên thị trường, một số cửa hàng bán loại bếp có tên gọi na ná là Napoli, giá chỉ 3 triệu đồng/chiếc. Bếp này do Trung Quốc sản xuất, nếu không xem kỹ nhãn mác, người tiêu dùng sẽ bị mua nhầm sản phẩm.

Không chỉ hàng có xuất xứ nước ngoài, một số mặt hàng có thương hiệu của Việt Nam cũng bị làm giả hoặc làm nhái nhãn mác, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đáng chú ý là tình trạng gian lận thương hiệu Việt Tiến diễn ra trên địa bàn tỉnh những năm gần đây. Theo chị Phạm Khánh Hiền, chủ đại lý Việt Tiến (248 Bacu, phường 3, TP. Vũng Tàu), để phân biệt áo sơ mi Việt Tiến giả, người mua nên xem mác và dây đeo trên áo. Áo sơ mi Việt Tiến giả có mác, dây đeo màu nhạt và thô hơn. Mã vạch có thể tẩy xóa được, số và chữ thường bị lem. Trong khi đó, áo sơ mi Việt Tiến chính hãng thì mác và dây đều đậm màu, số và chữ không bị nhòe, bị lem; đặc biệt ở phần mã vạch in trên mác không thể cào hay tẩy xóa được.

Phản hồi của các DN cho thấy, việc triển khai Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã khắc phục những bất cập nêu trên trong quản lý nhãn hàng hóa. Theo đó, với quy định cụ thể, chi tiết về vị trí, kích thước, màu sắc, ngôn ngữ của nhãn hàng hóa; nhãn phụ cần cho một số hàng hóa nhập khẩu; nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa… thì những người sản xuất hàng giả, hàng nhái khó làm giống được. Bà Phạm Thị Dược, Trưởng phòng quản lý chất lượng Công ty TNHH Xay lúa mì Việt Nam - VFM (KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành) cho biết, ngoài những thông tin về định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, từ ngày 1-6, nhãn mác hàng hóa của công ty in mới đã bổ sung thêm thông tin cảnh báo (cách dùng, phương pháp bảo quản…) theo kích cỡ, màu sắc. Bà Dược cho biết: “Những quy định mới này sẽ hạn chế được tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng làm giả nhãn mác của công ty”.

Ông Nguyễn Kim Trường, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, Sở KH-CN đã gửi thông báo đến các DN, đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đầu tháng 9-2017, Sở KH-CN tiếp tục tổ chức hội nghị hướng dẫn cho các DN cách ghi nhãn mác theo quy định mới với sự tham gia của gần 200 DN sản xuất trên các lĩnh vực: chế biến thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón; các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu… trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo bà Cao Thị Bích Hà, Trưởng phòng Quản lý Nhãn hàng hóa, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ KH-CN), khó khăn hiện nay là để Nghị định 43 thật sự có hiệu quả, không chỉ DN, đơn vị sản xuất phải tuân thủ nghiêm quy định về nhãn hàng hóa mà người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn, mác của các loại sản phẩm. Nếu phát hiện nhãn hàng hóa ghi sai quy định hoặc nhãn, mác không ghi đúng bản chất của sản phẩm thì gửi khiếu nại đến các cơ quan chức năng để phối hợp kiểm tra, xử lý, nhằm bảo đảm các quyền lợi của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung gì?

Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung: Tên hàng hóa; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường. Với lương thực, nhãn hàng hóa bắt buộc phải có định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo (nếu có); với rượu, phải có định lượng, hàm lượng etanol, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thông tin cảnh báo (nếu có), mã nhận diện lô (nếu có); đối với thuốc lá, thông tin bắt buộc trên nhãn bao gồm định lượng, ngày sản xuất, thông tin cảnh báo, hạn sử dụng và mã số, mã vạch…


Nhãn hàng hóa phải được thể hiện ở vị trí nào?

Nhãn hàng hóa phải được thể hiện ở vị trí dễ nhận biết; nhãn hàng hóa, kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc. Nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm gắn nhãn hàng hóa được sản xuất, in ấn trước ngày 1-6-2017 vẫn được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 1-6-2019.

 

.
.
.