.

KỸ THUẬT NUÔI CÁ NƯỚC NGỌT

Cập nhật: 08:14, 21/05/2004 (GMT+7)
Chuẩn bị ao để nuôi cá nước ngọt. Ảnh: Thu Phong

Bà Rịa – Vũng Tàu hiện đang bắt đầu vào mùa mưa, là thời điểm thuận lợi cho việc nuôi cá nước ngọt. Theo Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, những nơi có điều kiện ao, hồ nuôi, công tác chuẩn bị để thả cá phải bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị ao nuôi, chuẩn bị giống, xác định đối tượng nuôi... Đây là khâu rất quan trọng đối với nuôi cá ao, quyết định việc thành, bại của một vụ nuôi.

I. CHUẨN BỊ AO NUÔI:

1. Chọn vị trí ao:

Ao nuôi nên xây dựng gần nguồn nước để dễ dàng cho việc thay và cấp nước. Nguồn nước lấy vào ao phải sạch, không bị ô nhiễm. Chất đất là đất thịt hoặc thịt pha cát để hạn chế hiện tượng nước bị rò rỉ. Diện tích ao từ 500 – 5000 m2; độ sâu mực nước từ 1,5 – 1,8 m để dễ chăm sóc và quản lý. Ao nuôi nên có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, bờ ao chắc chắn,  mỗi ao có 2 cống, một cống cấp và một cống thoát đăït đối diện nhau.

2. Dọn tẩy ao:

Để chuẩn bị cho một vụ nuôi mới, ao nuôi cần được dọn tẩy sạch sẽ theo phương pháp sau:

Tháo cạn nước, thu dọn hết rác rưởi trong ao và xung quanh bờ.

- Vét bớt bùn đen ở đáy ao, chỉ để lại một lớp dày từ 10 – 15 cm.

- Đắp lại những chỗ rò rỉ, hang hốc quanh  bờ ao.

- Lấy nước vào ao và tháo ra vài lần để rửa trôi những mảnh vụn hữu cơ, rác rưởi và rửa bớt phèn. Sau khi thấy đáy ao đã sạch tiến hành đo độ pH của đất, bón vôi cải tạo ao.

3. Bón vôi, bón phân, diệt tạp:

a. Bón vôi:

Sau khi dọn tẩy ao sạch sẽ dùng vôi rải đều quanh ao, kể cả bờ ao, mục đích để nâng độ pH và diệt mầm bệnh.

Lượng vôi bón cho ao tùy thuộc độ pH đáy ao. Nếu độ pH< 5 bón15 – 20 kg/ 100m2; Nếu 5< pH 6 bón10 – 15 kg/ 100m2; Nếu pH> 6 bón 6 – 10 kg/ 100m2. Sau khi bón vôi, phơi ao từ 3 – 5 ngày mới lấy nước vào ao.

b. Diệt tạp:

Để tránh hiện tượng cá tạp, cá dữ vào cạnh tranh thức ăn và ăn thịt cá giống, ta dùng thuốc diệt cá để loại trừ cá tạp, có thể dùng rễ cây thuốc cá, hoặc dùng Saponin với liều dùng 15 – 20 kg/ 1000m3 nước.

c. Bón phân:

Bón phân là biện pháp gây màu nước hiệu quả nhất cho ao nuôi. Có thể dùng phân hữu cơ, vô cơ hoặc phân xanh để bón cho ao.

- Phân hữu cơ (phân gà, vịt, heo, trâu, bò ủ hoai) dùng 10 – 15 kg/ 100 m3 hòa phân ra nước tạt đều xuống ao.

- Phân vô cơ (Urê, NPK,DAP…) 2 – 5 kg/ 1000 m3. Hòa tan ra nước tạt đều xuống ao.

- Phân xanh, 15 – 20 kg/100m3. Bó lá thành từng bó khoảng 10 kg bỏ đều ở các vị trí trong ao đến khi lá rữa hết, lấy cọng lên bỏ đi.

Có thể dùng kết hợp các loại phân trên với nhau để tận dụng và giữ được màu nước lâu hơn. Khi kết hợp các loại phân tính theo tỷ lệ để không bị thiếu hay dư.

Sau khi bón phân, diệt tạp 5 – 7 ngày, nước lên màu lá chuối non hoặc xanh đậm, độ trong từ 30 – 40 cm là thả cá giống được.

II. CHỌN ĐỐI TƯỢNG NUÔI:

1.Đối tượng nuôi đơn, thường tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, khả năng sống được ở mật độ tương đối cao và nguồn thức ăn sẵn có trong vùng. Một số đối tượng hiện nay đang được nuôi đơn phổ biến: cá lóc, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá trê, cá rô đồng…

Nuôi cá lóc:

a. Chọn giống: Hiện nay, có hai nguồn giống chính, đó là giống tự nhiên và giống nhân tạo. Giống thả phải khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, hoạt động nhanh nhẹn và nhiều nhớt, không bị thương tích hay bệnh tật. Màu sắc sáng, lưng xanh đen, bụng màu xám bạc, các sắc tố trên thân  phải rõ ràng. Cỡ cá giống đạt từ 200 – 300 con/ kg là tốt.

b. Chăm sóc, quản lý: Hằng ngày thăm ao thường xuyên, theo dõi các hoạt động của cá, khi thấy cá có biểu hiện xấu để kịp thời xử lý thích hợp. Định kỳ 10 – 15 ngày thay nước để giữ môi trường ao trong sạch, nhưng không nên thay quá 1/3 lượng nước trong ao. Định kỳ 15 ngày/ lần bón vôi cho ao với liều lượng 5 – 7 kg/ 100 m2, nhằm phòng bệnh và ổn định môi trường, việc bón vôi được tiến hành sau khi thay nước xong. Cần giữ môi trường nước luôn trong sạch, ổn định, pH = 6 – 8, hàm lượng oxy hòa tan  3mg/ l, độ trong từ 20 – 30 cm. Thường xuyên kiểm tra tu sửa bờ ao, dọn cỏ, mé những nhánh cây lớn xung quanh bờ ao.

c. Thức ăn: Thức ăn có thể dùng nhiều loại có sẵn ở địa phương để chế biến nuôi cá như: phế phẩm của nhà máy đông lạnh (tôm, cá), phụ phế phẩm nông nghiệp, hay thức ăn công nghiệp… Thông thường thức ăn cho cá lóc có hàm lượng protein là 40%, đồng thời, để tăng sức đề kháng cho cá, người nuôi cần định kỳ trộn với 5 – 6 g Vitamin C/ 1 kg thức ăn mỗi tháng cho ăn 2 đợt, mỗi đợt 3 –5 ngày. Các loại thức ăn cần được xay nhỏ, trộn thêm bột gòn hoặc Nutech vắt thành cục cho ăn, nên cho cá ăn trên sàng ăn để tránh tình trạng thức ăn rơi xuống đáy ao làm bẩn nước.

2. Đối tượng và tỷ lệ thả ghép: Xác định đối tượng nuôi chính, sau đó chọn đối tượng nuôi ghép cho phù hợp, thường đối tượng nuôi chính chiếm tỷ lệ 50 – 60%. Đối tượng thả ghép phải là những đối tượng không cạnh tranh thức ăn và môi trường. Ví dụ: Nuôi cá trắm cỏ là chính: cá trắm cỏ 60%, cá mè 20%, cá chép 10%, cá trôi 10%.

a. Chọn giống: Chọn giống khỏe, không mang mầm bệnh, màu sắc sáng, kích cỡ giữa các loài thả ghép tương đối đồng đều.

b. Cho ăn: Cho cá ăn theo đối tượng nuôi chính trong ao. Ví dụ: nếu đối tượng nuôi chính là cá trắm cỏ, thức ăn cần cung cấp là cỏ, rau xanh… với trọng lượng 20 – 30% trọng lượng cá trắm cỏ trong ao. Nếu đối tượng nuôi chính là cá rô phi, thức ăn cần cung cấp là cám gạo, bắp, cá tạp…, bón phân thường xuyên, lượng thức ăn cần cung cấp 5 – 10% trọng lượng cá rô phi trong ao.

Ngoài những chuẩn bị trên, chúng ta còn chuẩn bị vốn đầu tư và chuẩn bị lao động để vụ nuôi đạt hiệu quả cao.

Thanh Dung

.
.
.