NÂNG CAO Ý THỨC CỘNG ĐỒNG TRONG VIỆC CỨU HỘ RÙA BIỂN
Chuẩn bị thả rùa con mới nở về biển. |
Côn Đảo có nhiều động, thực vật đặc hữu và quý hiếm, trong đó có rùa biển. Từ năm 1995 cho đến nay, dự án cứu hộ rùa biển đã được thực hiện với sự tài trợ của tổ chức WWF. Hàng năm, vào mùa sinh nở của rùa biển, hàng chục ngàn con rùa con đã được thả về biển, hàng trăm con rùa mẹ đã được đeo thẻ để theo dõi . Đó là sự can thiệp đầy ý nghĩa trong việc bảo tồn những động vật quý hiếm. Hiện nay công tác bảo vệ, bảo tồn rùa biển đang đặt ra không những ở Côn Đảo, Việt Nam mà còn trên toàn thế giới…
LÓT Ổ, ẤP TRỨNG RÙA VÀ THẢ RÙA CON VỀ BIỂN
Đặc tính của rùa biển là đẻ trứng trên bãi cát rồi bỏ đi. Nếu trứng rùa bị nước biển làm ướt, bãi rùa đẻ trứng bị xâm phạm thì tỷ lệ trứng rùa bị hỏng sẽ rất cao. Theo ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo, nếu trứng rùa chỉ bị ướt trong vòng 6 giờ đồng hồ thì trứng rùa sẽ bị hỏng, không nở được. Từ khi thực hiện dự án cứu hộ rùa, cứ vào đầu mùa sinh sản của rùa biển, nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo lại tiến hành lập trạm ấp trứng, vệ sinh nền đất ấp trứng và phát dọn các bãi đẻ cho rùa mẹ. Các ụ đất, hố hoặc cành cây, rễ cây xung quanh bãi đẻ của rùa mẹ cũng được dọn dẹp để rùa mẹ dễ dàng lên xuống nhưng không làm thay đổi cảnh quan của bãi. Rác từ biển trôi dạt vào bãi cũng được thu dọn sạch. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các mẹ rùa sinh nở, phải hạn chế các tác nhân tiếng động, ánh sáng gây nhiễu loạn bãi đẻ. Khi trứng rùa nở được thả ngay về đại dương. Rùa con được thả về biển khi gió lặng, biển êm và thả ở những nơi ít sóng, khuất gió, có nền cát bằng phẳng. Trong năm 2003, trên 5 bãi đẻ của rùa đã có hơn 35.000 quả trứng, trong đó số rùa nở ra và bò xuống biển chiếm gần 85%. Số rùa con bị chết trên bãi chỉ chiếm hơn 1% số trứng. Để có được thành công như vậy, năm 2003 nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo đã di dời 250 tổ rùa đến nơi an toàn. Tỷ lệ rùa nở ở những "ổ" do con người "lót" đạt gần 99%. Đây là một tác động rất có ý nghĩa của con người trong việc bảo tồn loài rùa biển quý hiếm.
Bên cạnh việc cứu hộ rùa đẻ trứng, nở trứng và thả rùa con về biển, nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo còn thực hiện việc đeo thẻ cho rùa mẹ từ năm 1998. Tác dụng của việc đeo thẻ cho rùa là để theo dõi được đường đi di cư, kiếm ăn của rùa biển Côn Đảo. Ước tính mỗi năm, Vườn Quốc gia Côn Đảo đeo thẻ cho khoảng 300 con rùa mẹ.
ĐỂ RÙA BIỂN CÔN ĐẢO SINH SÔI, PHÁT TRIỂN
Công tác cứu hộ rùa biển ở Côn Đảo đã có những kết quả khả quan nhất định, trong đó đã khắc phục được các nguyên nhân cơ bản của tự nhiên và con người làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rùa biển Côn Đảo. Bước đầu đã ghi nhận được nhiều tập tính, đặc tính sinh thái của rùa biển nói chung… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm để rùa biển Côn Đảo phát triển. Hiện nay, việc bảo vệ, cứu hộ rùa biển Côn Đảo chỉ làm tốt được ở 5 trạm bảo tồn, còn đường di cư và vùng tìm thức ăn của rùa mẹ sau mùa sinh sản chưa biết chính xác nên chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rùa mẹ. Theo kết quả phân tích thì cấu trúc tuổi của quần thể rùa mẹ làm tổ ở Côn Đảo không ổn định và số rùa mẹ được đeo thẻ ngày càng thấp dần. Điều này chứng tỏ số lượng cá thể rùa mẹ làm tổ ở Côn Đảo đang giảm dần. Tác nhân gây hại lớn nhất đến sức sinh sản của quần thể rùa Côn Đảo vẫn là việc các ngư dân, lấy trộm trứng khi rùa mẹ đẻ ở các bãi xa xôi, ít được kiểm soát và bảo vệ. Để bảo tồn và phát triển quần thể rùa biển Côn Đảo, ông Trần Đình Huệ cho biết: "Bảo vệ rùa biển là nhiệm vụ chung của toàn thế giới. Mình bảo vệ mà nước bạn không bảo vệ thì rùa biển cũng tuyệt chủng. Còn với chúng ta, trước tiên phải nâng cao ý thức của cộng đồng, nhất là ngư dân".
Bài, ảnh: Lê Đình Thìn