.

ĂN TÁI SỐNG COI CHỪNG MẮC BỆNH SÁN

Cập nhật: 09:20, 20/05/2004 (GMT+7)

Ngày nay, chúng ta ăn không chỉ để lấy no mà còn phải ăn ngon. Có nhiều người thích tìm những thú ăn như: gỏi cá sống, thịt tái sống, lẩu sống...Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích để ăn ngon miệng hơn, hấp dẫn hơn, có lẽ nhiều người trong chúng ta không ngờ rằng những món ăn không hợp vệ sinh đó có thể mang đến cho con người nhiều nguy cơ nhiễm các loại giun và đặc biệt nguy hiểm là nhiễm các loại bệnh do sán gây ra. Sau đây là các loại bệnh sán thường mắc phải.

Bệnh sán lá nhỏ ở gan do loài sán Clonorchis sinensis hoặc Opithorchis viverini ký sinh trong đường mật gây nên. Người bệnh có biểu hiện: đau tức vùng gan, khó tiêu, kém ăn, thường có rối loạn tiêu hoá, đôi khi xạm da, vàng da, có thể có dấu hiệu gan to hay xơ gan tuỳ mức độ và thời gian mắc bệnh.

Bệnh sán lá phổi do loài sán lá Paragonimus heterotremus ký sinh trong phổi hoặc màng phổi gây nên. Khi bị nhiễm, bệnh nhân thấy đau ngực, nặng ngực, ho ra máu (thường ra lẫn một ít với đàm, màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm, có khi ho ra nhiều máu tươi cùng một lúc). Ho ra máu từng đợt trong năm, có khi kéo dài nhiều năm, thường không kèm theo sốt, cơ thể ít bị suy sụp. Nếu có sán trong màng phổi có thể gây tràn dịch màng phổi.

 Bệnh sán dây trưởng thành do loài sán dây trưởng thành gồm: Taenia saginata, Taenia solium và Taenia asiatica ký sinh trong ruột gây nên. Người bệnh thường có triệu chứng rối loạn tiêu hoá như: đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, đôi khi nôn ra đốt sán. Nặng hơn có thể bị yếu cơ, sụt cân, rối loạn thần kinh, thiếu máu.

Bệnh ấu trùng sán heo do những ấu trùng sán heo ký sinh ở trong cơ, trong não, trong mắt người gây nên. Biểu hiện của bệnh tuỳ thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán. Có thể có các nốt dưới da bằng hạt đậu, hạt đậu phộng, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở các vị trí cơ vân. Có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc nhức đầu dữ dội... tuỳ thuộc vào vị trí ký sinh của ấu trùng trong não. Có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù nếu có nang sán ở trong mắt.

 Cách tốt nhất để phòng bệnh sán là: Hạn chế và thận trọng khi sử dụng những thực phẩm tái, sống; nếu cần ăn những món tái, sống phải ngâm thức ăn vào dấm đậm đặc từ 6 tiếng trở nên; Nên ăn những thực phẩm nấu chín để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

DS. Kim Hoa

.
.
.