Cẩm liên mùa thay lá
Những ngày tháng 3 trên các triền núi, bìa rừng nổi lên sắc trắng tinh khôi giữa bạt ngàn màu xanh của cây lá. Đó chính là sắc trắng của cẩm liên, một loại cây họ dầu đang vào mùa thay lá mới.
![]() |
Cẩm liên thay màu trắng tinh khôi dọc đường xuyên qua rừng Bình Châu-Phước Bửu. |
Đầu tháng 3, chúng tôi dọc theo tỉnh lộ 44 (xã Tam An, huyện Long Đất) và xuyên rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) để ngắm nhìn vẻ đẹp của cây cẩm liên.
Khi nắng đã căng đầy thì những cây cẩm liên cũng vào mùa thay lá. Từ góc bay của flycam, màu trắng tinh khôi, lấp lánh trong nắng, trải dài triền núi, bìa rừng.
Bà Lê Thị Nga, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh cho biết, cây cẩm liên có tên khoa học là Shorea siamensis. Đây là một loài thuộc họ Dầu bộ Cẩm quỳ. Cây cẩm liên còn có tên gọi khác như cà chắc xanh, cây rang. Cẩm liên là cây thân gỗ thường cao từ 10-30m, đường kính thân tới 80cm. Lá cây cẩm liên có hình trái xoan, thuôn rộng, cuống lá hình tim, dài 11-22cm. Cẩm liên chủ yếu mọc trong rừng thưa, rừng khộp. Cây khô chịu hạn phân bố trên cát đất nông, khô, xương xẩu và nhiều đá nổi. Gỗ cẩm liên được xếp vào nhóm I trong bảng 8 nhóm gỗ Việt Nam. Gỗ lõi có màu đỏ nâu, giác gỗ màu đỏ nhạt. Gỗ được sử dụng nhiều trong xây dựng với đặc tính bền lâu và chắc chắn.
![]() |
Cẩm liên thay lá với màu trắng tinh tại rừng Bình Châu-Phước Bửu. |
Theo Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), hiện nay diện tích rừng còn lại khá lớn (khoảng 22.000ha), chiếm 2/3 diện tích huyện, thuộc rừng nhiệt đới ở đầu rừng sông Ray và ven biển. Rừng có 200 loại thực vật thuộc 60 họ, trong đó có nhiều loại gỗ quý tốt trong đó có cẩm liên. Theo chu kỳ, vào cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 là mùa cẩm liên thay lá, tạo nên một bức tranh đa màu sắc cho các triền núi, khu rừng, tạo nên “chiếc áo” độc đáo cho núi rừng Bình Châu-Phước Bửu.
![]() |
Cây cẩm liên thay lá như đang khoác trên mình chiếc áo mới tại triền núi Tam An (huyện Long Đất) |
Bài, ảnh: LINH ĐAN