.

Châu Đức - Điểm đến giàu cảm xúc

Cập nhật: 15:43, 07/03/2025 (GMT+7)

Dựa trên tài nguyên nông nghiệp nông thôn, Châu Đức đã hình thành một số điểm đến sinh thái giàu cảm xúc để du khách trải nghiệm.

Du khách đạp xe trải nghiệm đa dạng sinh học tại Suối Rao Ecolodge.
Du khách đạp xe trải nghiệm đa dạng sinh học tại Suối Rao Ecolodge.

Đánh thức tài nguyên bản địa

Những căn nhà gỗ mái ngói xinh xắn nằm hòa mình dưới tán cây. Trảng cỏ xanh mướt, lối đi trải đá bên hoa kiểng khoe sắc. Mảng xanh không bớt mà chỉ thêm lên, chủ yếu là cây dược liệu. Từng chi tiết nhỏ đều tôn trọng tự nhiên nhưng có sự sắp đặt, chăm chút của con người. Không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng, sảng khoái. Đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến Suối Rao Forest (thôn 2, xã Suối Rao).

Đại diện Suối Rao Forest cho biết, Suối Rao Forest hình thành từ đại dịch COVID-19 khi xu hướng du lịch về nông thôn, gần gũi thiên nhiên bắt đầu thịnh hành. Với lợi thế nằm sát rừng phòng hộ Xuân Sơn-Suối Rao, khí hậu quanh năm mát mẻ, Suối Rao Forest định hình mô hình du lịch tái tạo năng lượng dựa vào thiên nhiên, trekking tìm hiểu rừng Xuân Sơn-Suối Rao. Hiện nay, Suối Rao Forest đã trở thành điểm nghỉ dưỡng thân quen của những nhóm khách gia đình muốn tận hưởng một kỳ nghỉ an lành tại vùng nông thôn.

Cách đó không xa, Suối Rao Ecolodge-điểm đến trung hòa carbon đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu-là một điển hình tôn trọng, kết nối hài hòa với thiên nhiên để phát triển du lịch. Nằm tiếp giáp hệ sinh thái đa dạng gồm biển, hồ, rừng, từ 16 năm trước, hành trình bảo tồn đa dạng sinh học được Suối Rao Ecolodge thực hiện có tham vấn ý kiến bài bản từ giới chuyên gia, kiến trúc cảnh quan. Nhờ vậy, hơn 95% diện tích của Suối Rao Ecolodge được bao phủ bởi cây xanh với hơn 1 triệu cây xanh đã được định danh với khoảng 700 loài và hơn 300 loại dược liệu. Đặc biệt, hành hình trồng cây, quản lý rừng, cải thiện chất lượng đất, bảo tồn đa dạng sinh học cao đã giúp Suối Rao Ecolodge có lượng lưu trữ carbon lớn. Tổng lượng CO2 lưu trữ trong cây và đất tại Suối Rao Ecolodge 1.558,86 tấn/6 năm (tương đương 260 tấn CO2/năm), trong khi lượng phát thải CO2 đo được là 19 tấn/năm.

Khi dựa vào tự nhiên, tôn trọng tự nhiên và không ngừng làm cho tự nhiên thêm đẹp, Suối Rao Ecolodge cũng lựa chọn khách đến. Nơi đây, không đón khách đại trà, mà chỉ rộng cửa đón tiếp người biết trân quý thiên nhiên, môi trường sống với tôn chỉ bền vững, sinh thái.

Vừa có 2 ngày nghỉ ngơi tái nạp năng lượng đúng nghĩa tại Suối Rao Ecolodge, chị Hoàng Lan (TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: Được thức dậy với tiếng chim rừng ca hót, bình minh xuyên kẽ lá còn đọng sương đêm. Nhâm nhi tách cà phê trong không gian tĩnh lặng chỉ có thanh âm tự nhiên của rừng, cây cối, chim muông… những thứ mà rất lâu rồi chị chưa được “chạm” vào, cảm giác thư thái tuyệt đối. “Dù là kỳ nghỉ ngắn nhưng quá chất lượng, hiệu quả cân bằng tinh thần thấy rõ. Tôi sẽ còn trở lại nhiều lần nữa”, chị Hoàng Lan nói.

Du khách dạo chơi chụp ảnh bên khung cảnh hồ Suối Giàu.
Du khách dạo chơi chụp ảnh bên khung cảnh hồ Suối Giàu.

Hội tụ tinh hoa bách nghệ

Huyện Châu Đức là vùng cây công nghiệp, cây ăn quả lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với nhiều vườn cây ăn trái đặc sản như ca cao, sầu riêng, bơ, măng cụt… Bên cạnh đó, Châu Đức nằm giữa vùng công nghiệp tập trung lớn nhất tỉnh là TP.Phú Mỹ và địa phương du lịch mới nổi-Xuyên Mộc, đồng thời là địa bàn cửa ngõ tiếp giáp với Đồng Nai. Đây là yếu tố thuận lợi trong giao thương kết nối, trung chuyển thu hút du lịch cho Châu Đức.

Theo ông Đỗ Chí Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, với những điều kiện thuận lợi về khí hậu ôn hòa, nhiều hồ chứa nước đẹp, địa hình thơ mộng mà ít nơi nào có được, Châu Đức phù hợp phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Huyện Châu Đức cũng định hướng phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch để khai thác phát huy được những thế mạnh hiện có.

Trên địa bàn hình thành hơn 10 mô hình du lịch nông nghiệp đã có sản phẩm phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch, mua sắm sản phẩm từ nông nghiệp. Huyện Châu Đức cũng có nhiều hoạt động quảng bá, nâng tầm chất lượng nông sản, tăng thêm thu nhập cho người nông dân, giúp ngành nông nghiệp đi đúng hướng sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị, như chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm-OCOP”, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, ra mắt cửa hàng OCOP, hội chợ nông sản…

Màu xanh ngập tràn trong khuôn viên Suối Rao Forest.
Màu xanh ngập tràn trong khuôn viên Suối Rao Forest.

 

Một số điểm đến đang đón khách tại Châu Đức
* Suối Rao Ecolodge (thôn 2, xã Suối Rao)-điểm đến net zero, nghỉ dưỡng, tham gia tour trồng cây, thiền, tận hưởng thiên nhiên trong lành.
Đất Rồng- Đinh Gia Trang (thôn 1, xã Suối Rao) tham quan ngoạn cảnh hồ, ăn uống, lưu trú. 
* Suối Rao Forest (thôn 2, xã Suối Rao) dã ngoại, lưu trú, ăn uống trekking rừng.
* Charm Village (thôn 1, xã Suối Rao) nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi.
Buôn Gơ Rin (Sông Xoài 1, xã Láng Lớn) trải nghiệm văn hóa Tây Nguyên, thưởng thức món ăn phong cách Tây Nguyên.
* OCA Việt Nhật (xã Quảng Thành) tham quan, thu hoạch ca cao, tour làm chocolate từ ca cao.

Mới đây, trong chuyến khảo sát tiềm năng du lịch cộng đồng tại Châu Đức, Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP.Hồ Chí Minh nhận xét, Châu Đức có đầy đủ chất liệu để phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng để hình thành những mô hình du lịch cộng đồng sắc sảo, tinh tế và tạo được tiếng vang nhất định trong tương lai, thì Châu Đức nên hướng phát triển tích hợp và hội tụ. Trong đó, giá trị cốt lõi là sinh thái rừng, cây cối, bán không khí và bán câu chuyện về văn hóa, về giá trị của lao động sáng tạo đổi mới, của tinh hoa bách nghệ từ chuỗi sản phẩm OCOP.

“Trong tương lai liên kết là quan trọng. Liên kết để tạo thành hệ sinh thái cộng sinh, tương hỗ và có những hình thức tương tác để làm sao cho những sản phẩm du lịch trở thành những ký ức hoài niệm đặc sắc cho du khách. Châu Đức nên định vị là một không gian sinh thái kết nối liên hoàn từ những điểm khác trong tỉnh”, Tiến sĩ Dương Đức Minh gợi ý.

Bài, ảnh: KIM VINH

 
.
.
.