Tạo ra nhiều sản phẩm du lịch chung, xây dựng các tuyến du lịch liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, học hỏi lẫn nhau trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch… Đó là những bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của du lịch vùng Đông Nam Bộ.
Giới thiệu sản phẩm OCOP Bà Rịa-Vũng Tàu trong khuôn khổ hội nghị sơ kết thỏa thuận liên kết du lịch Đông Nam Bộ. |
Gắn kết chặt hơn
Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ được ký kết vào cuối năm 2020, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển du lịch vùng. Việc triển khai thực hiện nội dung thỏa thuận được các cấp lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng quan tâm chỉ đạo và tạo thuận lợi về nguồn lực để các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện.
Một trong những thành công nổi bật trong liên kết vùng là sự phát triển các sản phẩm du lịch liên kết, mở ra các tuyến du lịch đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Các sự kiện văn hóa, du lịch lớn được tổ chức tại các tỉnh, thành trong vùng đã tạo nên hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của du khách.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chung của vùng Đông Nam Bộ cũng được triển khai mạnh mẽ. Các chiến dịch truyền thông, hội chợ du lịch trong và ngoài nước đã giúp nâng cao hình ảnh và giá trị du lịch của vùng, đưa du lịch Đông Nam Bộ đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Theo bà Phan Linh Chi, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia, mặc dù năm 2024 Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức từ các yếu tố tác động bên ngoài, nhưng ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là du lịch vùng Đông Nam Bộ đã có những bước phục hồi ấn tượng, đóng góp vào kết quả hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch của du lịch cả nước. “Việc thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng đã giúp tối ưu hóa tài nguyên, chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch phát triển”, bà Phan Linh Chi nhận xét.
DN các tỉnh, thành Đông Nam bộ tham quan Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa-Đồng Nai). |
Phải xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn
Dù đã có sự gắn kết, nhưng công tác liên kết và phát triển du lịch vùng vẫn chưa như kỳ vọng. Tại Hội nghị sơ kết thực hiện thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2024 diễn ra chiều ngày 26/12, các đại biểu cũng chỉ rõ những hạn chế trong liên kết vùng.
Cụ thể, sản phẩm du lịch tuy được cải thiện nhưng chưa nổi bật, thiếu các khu phức hợp vui chơi giải trí-nghỉ dưỡng-mua sắm-ẩm thực hiện đại, quy mô quốc tế… Các quy hoạch hạ tầng phát triển du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều dự án trọng điểm về du lịch của các địa phương chậm tiến độ do vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng và chính sách đất đai chưa hoàn thiện, dẫn đến ảnh hưởng sự phát triển du lịch của vùng.
Các tỉnh, thành đã cùng bàn bạc, thảo luận và đề xuất những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn nhằm tăng cường gắn kết thực chất trong thời gian tới. Trong đó, phát triển du lịch xanh, bền vững để bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội cho vùng Đông Nam Bộ là định hướng được toàn vùng nhất trí cao.
Năm 2025, vùng Đông Nam Bộ tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề và sản phẩm du lịch đường thủy giữa TP.Hồ Chí Minh-Bình Dương-Đồng Nai-Bà Rịa-Vũng Tàu.
Các hoạt động nổi bật: Famtrip/Presstrip khảo sát tiềm năng du lịch tại Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai; Liên kết “một cung đường, hai điểm đến” giữa TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu; Xúc tiến, quảng bá du lịch trong Lễ hội Khinh khí cầu Đồng Nai, Lễ hội ẩm thực chay Tây Ninh, Tuần lễ Văn hóa-Ẩm thực-Du lịch Bình Dương và Tuần lễ Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu; Hoàn chỉnh bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ vùng Đông Nam Bộ; Chương trình xúc tiến du lịch nước ngoài năm 2025 theo kế hoạch của TP.Hồ Chí Minh…
|
Theo ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu, hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng đang dần hoàn thiện. Do vậy, các địa phương tiếp tục tập trung khảo sát, hình thành, phát triển và nâng cấp sản phẩm, đưa các chương trình du lịch trở thành bản đồ du lịch chung cho vùng Đông Nam Bộ.
TP.Hồ Chí Minh, với vai trò nhạc trưởng của vùng, đã đề xuất nhiều sáng kiến cụ thể cho định hướng bền vững. Theo đó, phát triển hạ tầng xanh, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các điểm đến trong vùng, từ đường bộ đến đường thủy. Đồng thời, triển khai các tiêu chuẩn xanh tại các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng và điểm tham quan vì một điểm đến sạch sẽ không chỉ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho du khách mà còn nâng cao hình ảnh và uy tín của vùng.
Ngoài ra, thúc đẩy các mô hình du lịch cộng đồng mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe gắn liền với thiên nhiên; xây dựng các tiêu chuẩn du lịch xanh đồng bộ dễ dàng áp dụng chung cho toàn vùng, giúp nâng cao tính cạnh tranh của khu vực trên thị trường quốc tế… cũng là những giải pháp quan trọng, thiết thực cho mục tiêu xanh hơn-sạch hơn-bền vững hơn.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA