NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Cam kết trên được Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ nhất trí cao tại hội nghị sơ kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch năm 2024 diễn ra ngày 25/12 tại Đồng Nai.
Đại diện Hiệp hội Du lịch các tỉnh thành Đông Nam Bộ ký cam kết đồng lòng phát triển xanh. |
Trái ngọt từ liên kết vùng
Năm 2024, hoạt động liên kết vùng Đông Nam Bộ đi vào thực chất, hiệu quả. Các Hiệp hội và DN du lịch thường xuyên trao đổi thông tin về thông tin sản phẩm du lịch, thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch.
Các hoạt động liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch được đẩy mạnh tạo điều kiện cho các DN trong vùng cùng khai thác lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch. Mỗi tỉnh, thành trong tổ chức sự kiện đều gắn kết quảng bá chung du lịch vùng Đông Nam Bộ. Chẳng hạn, Lễ hội Sông nước TP.Hồ Chí Minh giới thiệu đa dạng sắc màu Đông Nam Bộ với các điểm đến văn hóa - lịch sử nằm dọc tuyến sông Sài Gòn- Đồng Nai; không gian trưng bày văn hóa du lịch Đông Nam Bộ tại tỉnh Bình Phước hay Lễ hội trái cây Long Khánh dành không gian giới thiệu sản phẩm OCOP cho toàn vùng…
Bên cạnh đó, các chuyến khảo sát, trải nghiệm để kết nối về sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng tiếp tục được thực hiện. Thông qua đó, nhiều tour, tuyến mới hình thành khai thác đa dạng tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đặc trưng kết nối toàn vùng như: Tour văn hóa-lịch sử-tâm linh tìm hiểu tín ngưỡng thờ mẫu Nam Bộ và hào khí Nam Bộ kết nối TP.Hồ Chí Minh-Bình Dương-Tây Ninh; tour trải nghiệm ẩm thực Nam Bộ qua 4 địa phương TP.Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bình Dương-Tây Ninh; tour du lịch xanh (Go Green) kết hợp thể thao hành trình TP.Hồ Chí Minh-Bà Rịa-Vũng Tàu; tour chữa lành, chăm sóc sức khỏe với các điểm đến TP.Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu); tour sông nước dọc sông Đồng Nai, kết nối TP.Hồ Chí Minh với Bình Dương và Đồng Nai; tour đường thủy Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) đến hạ lưu sông Dinh, phía Tây TP.Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch-Đồng Nai.
Ngoài liên kết tốt nội vùng, việc cùng xúc tiến du lịch đến các vùng lân cận như Đồng Bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cũng được thực hiện trong năm 2024. Qua các chuyến xúc tiến du lịch mở ra cơ hội trao đổi, thu hút khách, giúp du lịch Đông Nam Bộ đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ năm 2024 toàn vùng Đông Nam Bộ đón trên 73 triệu lượt khách, tăng 12,6 % so với năm 2023. Trong đó có trên 67 triệu lượt khách nội địa, tăng 12% và gần 7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu du lịch toàn vùng năm 2024 đạt 215.178 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023. |
Cần cái bắt tay của nhiều ngành
Tại hội nghị, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đồng lòng ký kết tuyên bố phát triển du lịch xanh, giảm phát thải ròng vì sự bền vững cho du lịch toàn vùng.
Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch HHDL tỉnh chia sẻ, xu hướng đang khẳng định và chắc chắn sẽ bền vững là du lịch về với thiên nhiên, chạm sờ vào tự nhiên, sống với chính mình, trải nghiệm chiều sâu văn hóa bản địa. Dẫn chứng Tây Ninh là ví dụ điển hình về khai thác du lịch từ tài nguyên bản địa. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang chuyển mình theo hướng xanh hóa du lịch. Năm 2024, Bà Rịa-Vũng Tàu ghi dấu quan trọng vào bản đồ du lịch xanh khi khu nghỉ dưỡng sinh thái Suối Rao Ecolodge đạt chứng nhận Điểm đến trung hòa carbon, đánh dấu bước tiến quan trọng theo định hướng du lịch phát thải thấp (net Zero) và kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, những sản phẩm du lịch khai thác giá trị văn hóa, lịch sử, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe… mà vùng Đông Nam Bộ đang phát triển là những bộ sản phẩm xanh, bền vững. Tuy nhiên, cần phải thường xuyên nâng cấp sản phẩm, dịch vụ lên sau một thời gian khai thác mới đáp ứng đòi hỏi ngày càng tinh tế của du khách. Ngoài ra, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Chuỗi cung ứng cho du lịch thuộc các ngành nghề, thành phần khác như giao thông, văn hóa, thực phẩm, thể thao, cộng đồng… Du lịch gắn chuỗi ngành nghề trên thành sản phẩm để bán cho du khách với mục đích mang đến trải nghiệm tích cực, cảm xúc thăng hoa, hạnh phúc, vui vẻ, hài lòng, tái tạo năng lượng. Như vậy, muốn phát triển xanh, phát thải thấp, các ngành khác phải phối hợp bắt tay chặt chẽ với du lịch.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA