Du xuân chùa Bạc, Chiang Mai!

Thứ Sáu, 10/02/2023, 19:33 [GMT+7]
In bài này
.

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai, ký giả Amnat Jongyotying có lời mời hai nhà báo, hai người bạn Việt Nam làm chuyến du xuân xứ sở ngàn hoa thuộc vùng Bắc Thái Lan, từ ngày 29/1 đến 3/2/2023. Mỗi tuần hàng không VietJet Air có 3 chuyến bay khứ hồi TP.Hồ Chí Minh - Chiang Mai, rất thuận tiện di chuyển.

Người ta nói Chiang Mai là Đà Lạt của Thái, nằm ở độ cao hơn 1.000 mét, khí hậu mát mẻ quanh năm, vùng đất của ngàn hoa, nơi sản sinh nhiều hoa hậu Thái. Lễ hội Hoa Chiang Mai 2023 khai mạc và diễn ra đầu tháng 2/2023, thu hút hàng chục ngàn du khách.

Vài ba năm trước, Chiang Mai long trọng khánh thành ngôi chùa được tôn tạo mới dát bạc trắng, đúc tượng Phật bằng bạc, dựng cột bạc, lợp mái ngói bạc ngay tại làng nghề truyền thống chế tác bạc trên tuyến phố cổ Wualai, phía nam thành phố. Nơi đây có nhiều cửa hàng bạc, phục vụ du khách suốt ngày đêm. Bạc là khoáng sản hợp kim quý hiếm lâu đời rất được người Thái yêu chuộng. Nhiều sản phẩm làm từ bạc là thành quả lao động sáng tạo, mỹ thuật tiêu biểu của cộng đồng làng nghề độc đáo này, niềm tự hào của làng nghề, nay là cả một khu phố cổ sầm uất ở Chiang Mai.

Chùa Bạc Wat Srisuphan - Chiang Mai.
Chùa Bạc Wat Srisuphan - Chiang Mai.

Chủ tịch Amnat Jongyotying, người đã tới thăm Việt Nam nhiều lần, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuần khiết của vùng biển phương Nam. Trước Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023 ông đến thăm Bà Rịa - Vũng Tàu, cởi mở và chân thành:

Tôi biết các đồng nghiệp báo chí Việt Nam là những người yêu quý và trân trọng vốn cổ truyền thống từ các làng nghề. Chiang Mai chúng tôi có nghề chạm bạc trắng nổi tiếng mấy trăm năm. Nay chúng tôi quyên góp tài chính và những “nén” bạc lớn từ cộng đồng xây được ngôi chùa bằng bạc độc nhất vô nhị, thật tự hào. Đó là ngôi chùa bằng bạc lớn nhất, hoàn hảo nhất không chỉ ở Thái Lan mà cả trên thế giới. Chùa bạc tự nó đã nhắc nhở các thế hệ con cháu người Thái “Hãy sống trong tình yêu hòa bình, hợp tác hữu nghị và thân thiện”, không quên lãng các làng nghề truyền thống.

Chủ tịch Amnat Jongyotying, nghĩ suy về quá khứ, xúc động: Lịch sử ghi lại ngôi chùa Bạc được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1501 dưới thời vua Mengrai có tên là Wast Srisuphan Aram. Sau lần đó chùa được trùng tu một vài lần. Và lần tu sửa gần đây nhất là vào năm 2004. Sư trụ trì chùa Bạc là Phra Kru Phithatsuthikhun đã sử dụng kỹ thuật tinh xảo - sự tinh hoa về kiến thức của những người thợ bạc làng nghề địa phương để chạm trổ. Có những lần quân xâm lược nước ngoài đến gây chiến với Thái Lan, chúng đập phá làng nghề đúc bạc. Người Thái đã đứng lên bảo vệ làng nghề, gìn giữ vốn cổ, tôn tạo, phát triển cho đến ngày nay. Tâm linh và sự tin cậy nơi cửa phật - chùa Bạc, mỗi dịp đến thỉnh chùa là mỗi lần chúng tôi tự hào tưởng nhớ công đức của các thế hệ cha ông.

Việt Nam có hàng ngàn, hàng vạn làng nghề truyền thống danh tiếng. Làng gốm Bát Tràng; làng gỗ Đông Kỵ; làng nghề bánh đa Kế; làng mây tre mỹ nghệ Phú Nghĩa; làng đúc đồng Nam Định; làng dệt chiếu cói Nga Sơn; làng rèn Trung Lương; làng nghề làm bánh tráng Phú Long và chợ Lầu; làng dệt thổ cẩm Chăm Nam Trung bộ. Ở 

Bà Rịa - Vũng Tàu có làng nghề đúc đồng Long Điền; nghề làm đá Tân Thành; làng cá Phước Hải; nghề bún Long Kiên; làng rượu Hòa Long “ai đong nấy uống”…

Tôi đã nhiều lần đến Thái Lan, khám phá thành phố tươi đẹp, hiền hòa Chiang Mai, thăm các làng nghề. Tập du ký “Xứ sở chùa Vàng” (Nhà XB Văn hóa - Văn nghệ) khi chuyển ngữ sang tiếng Thái mang tựa đề “Đất Vàng” là sự trải nghiệp khá thú vị “Đạo Phật và du lịch”. Ở Thái Lan, với các ngôi chùa là sự linh thiêng, tôn kính, hàng ngàn bức tượng Phật được dát vàng, dát bạc. Đến nay, tại Chiang Mai lại có thêm ngôi chùa Bạc đặc trưng, uy nghiêm, tôn kính.

Đất nước Thái Lan - Phật giáo là quốc đạo, luôn hướng tới sự thân thiện, tương thân tương ái, làm việc thiện - giúp người. Du lịch Thái Lan phát triển bằng chính nụ cười thân thiện, mến khách, níu kéo. Du lịch Thái Lan thấm đậm văn hóa… cười là con gà đẻ trứng vàng. Mới đây người Thái đã ngộ ra rằng, tôn trọng và phát huy vốn cổ - tâm linh là thượng sách (!). Làm du lịch mà chạy theo “sex tour” và thương mại thuần túy là điều không thể và không nên, là sự không bền vững, tự đánh mất văn hóa của chính mình, sớm muộn du khách cũng sẽ quay lưng!

Đầu năm, du xuân xứ Chiang Mai, tôi càng nghiệm ra nhiều bài học quý về văn hóa - du lịch và học hỏi được nhiều điều về kỹ nghệ làm du lịch, nghề “công nghiệp không khói” của một trong những quốc gia láng giềng trong gia đình ASEAN!

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.