Cách thủ đô Amsterdam (Hà Lan) khoảng 120km, có một ngôi làng không khói bụi, không có tiếng ồn ào của xe cộ. Bình yên và thơ mộng như cổ tích, đó là những điều người ta nói về làng cổ Giethoorn.
Khung cảnh bình yên của làng cổ Giethoorn. |
Từ trung tâm thủ đô Amsterdam, chúng tôi lên xe ô tô di chuyển đến tỉnh Overijssel (Hà Lan). Sau hơn 1 giờ đồng hồ, xe đã đến làng Giethoorn. 9 giờ sáng những ngày cuối thu, đầu đông ở làng cổ Giethoorn trông xa vẫn còn mờ sương. Xe ô tô đậu ở phía sân cách làng cổ khoảng 500m để chúng tôi đi bộ vào làng. Ngôi làng nằm ẩn mình trong khu tự trị Steenwijkerland đã hiện ra trước mắt với một không gian bình yên, thơ mộng, khiến cuộc trò chuyện của những người trong đoàn cũng tự thấy mình cần phải nói khẽ hơn.
Đến Giethoorn, du khách có thể trải nghiệm chèo thuyền kayak, ngồi canô hay đi “thuyền thì thầm” - một loại xuồng máy chạy bằng điện không gây ồn và ô nhiễm cho ngôi làng. Bên cạnh việc chiêm ngưỡng khung cảnh thơ mộng của Giethoorn, du khách có thể ghé thăm bảo tàng Het Olde Maat Uus, Oude Aarde và Schelpengalerie Gloria Maris – đó là những nơi ghi dấu lịch sử của làng cổ Giethoorn. |
Anh Nguyễn Trọng Lĩnh, người có kinh nghiệm 27 năm dẫn tour Hà Lan giới thiệu với chúng tôi rằng Giethoorn là một ngôi làng nhỏ, có lịch sử lâu đời thuộc tỉnh Overijssel - Hà Lan được xây dựng từ thế kỷ thứ 13. Cái tên Giethoorn xuất phát từ cuộc khám phá của những cư dân Địa Trung Hải đầu tiên. Khi đang làm việc trên những cánh đồng, cư dân đã vô tình phát hiện nhiều sừng dê bị vùi lấp trong lòng đất. Số sừng này được dự đoán là những gì còn sót lại trong trận lụt năm 1170. Vì vậy, ngôi làng được đặt tên là “Geytenhoren”, với ý nghĩa nơi khai quật sừng dê và sau này được rút gọn là Giethoorn. Nhưng ngôi làng này vẫn ít người lui tới cho đến khi Giethoorn xuất hiện trong bối cảnh của bộ phim hài “Fanfare” năm 1958. Những năm gần đây, làng Giethoorn thu hút hơn 800.000 du khách ghé thăm mỗi năm, trong đó có rất nhiều khách du lịch Việt Nam.
Người dân di chuyển vào làng cổ Giethoorn bằng “thuyền thì thầm”. |
Theo lời anh Lĩnh, vào khoảng thế kỷ 16 dân làng bắt đầu đào những con kênh đầu tiên để vận chuyển than bùn. Rất nhiều nông dân đã xây dựng trang trại của họ tại những con kênh này. Làng Giethoorn có khoảng 180 cây cầu làm hoàn toàn bằng gỗ đan chéo qua các con kênh và chạy qua thị trấn. Những cây cầu này là cách duy nhất để đến hầu hết các ngôi nhà trong làng.
Thuyền chạy êm ru trên dòng kênh nhỏ đưa chúng tôi vào trung tâm của làng cổ Giethoorn. Hai bên sông những ngôi nhà cổ với bờ rào thâm thấp, những dãy hoa, những cây vàng lá đổ khiến khung cảnh của ngôi làng những ngày cuối thu càng thêm lãng mạn. Càng đi sâu vào làng, chúng tôi càng cảm nhận được vẻ đẹp tựa cổ tích bởi những ngôi nhà mái tranh được xây dựng dọc theo các con kênh uốn lượn và liên kết với nhau bởi những cây cầu gỗ.
Cư dân làng cổ Giethoorn chăm chút cây trong vườn nhà. |
Khi thuyền dừng lại, chúng tôi có dịp được tản bộ trên những con đường ven kênh để ngắm kỹ hơi những ngôi nhà ở đây. Giethoorn có khoảng 2.600 cư dân sinh sống. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp người dân ở đây chăm chút từng cây hoa, tỉa tót từng cành lá trước sân nhà. “Những ngôi nhà mái tranh, những khu vườn tươi tốt và những cư dân thân thiện đã tạo nên ngôi làng đẹp như tranh vẽ này. Có rất nhiều quán cà phê cổ kính ẩn mình giữa những ngóc ngách của ngôi làng và chúng là một điểm dừng chân tuyệt vời trong chuyến hành trình của chúng tôi đến làng cổ Giethoorn”, du khách Nguyễn Lê Dung đến từ tỉnh Lâm Đồng nói.
Theo các công ty du lịch lữ hành, thời điểm hoàn hảo nhất để du khách đến thăm làng cổ Giethoorn là mùa xuân vào khoảng tháng 3 hàng năm. Bởi đây là lúc thời tiết Hà Lan dễ chịu nhất, xung quanh những ngôi nhà trong làng cũng rực rỡ các loại hoa. Thế nhưng, mùa hè làng cổ Giethoorn cũng có vẻ đẹp riêng bởi ngôi làng lúc này như khoác một chiếc áo mới xanh ngắt, trong lành và mát rượi. Mùa thu Giethoorn càng trở nên quyến rũ hơn với những cây lá đỏ, lá vàng. Còn khi đông đến thì tuyết rơi phủ kín những mái nhà, dòng kênh quanh làng trở thành sân băng dài khiến nhiều du khách thích thú khi trượt tuyết tại đây.
Bài, ảnh: QUANG VŨ