Cần tư duy đột phá, trở thành hình mẫu về liên kết du lịch

Thứ Ba, 29/11/2022, 18:18 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Đó là đánh giá về hiệu quả sau 2 năm thực hiện thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, Đông Nam Bộ cần phải vươn tầm trở thành hình mẫu về liên kết du lịch của cả nước, nên rất cần tư duy đột phá, cách làm táo bạo, phi thường.

Xem video clip:

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Vực dậy nhanh hậu dịch 

Chiều 29/11, UBND tỉnh Bình Phước đã chủ trì Hội nghị sơ kết liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025.  

Sau 2 năm triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác du lịch vùng Đông Nam Bộ được Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo, theo dõi. Nhiều hoạt động được các tỉnh, thành phố chủ động triển khai hoặc phối hợp thực hiện. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh - trung tâm điều phối vùng đã phát huy vai trò đầu mối kết nối cả vùng.  

Các tỉnh, thành, DN lữ hành trong vùng cùng khảo sát và hình thành nhiều tour du lịch liên tỉnh, liên vùng mới lạ thu hút du khách. Cụ thể, tuyến du lịch “Hương sắc Tây Ninh” hành trình TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Núi Bà Đen; tour “Về nguồn” TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh- Trung ương Cục miền Nam; tuyến du lịch “Tình đất đỏ miền Đông” theo hành trình TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; tour “Thiên nhiên xanh mát - Sắc biển hòa ca” theo hành trình TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu… 

Dù trải qua 2 năm ngưng trệ do dịch COVID-19, song hoạt động du lịch nhanh chóng khởi sắc ngay khi cả nước “bình thường mới”. Tổng lượng khách du lịch từ năm 2020 đến 2022 của toàn vùng đạt hơn 73,53 triệu lượt, doanh thu du lịch hơn 260 ngàn tỷ đồng, trong đó có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế. 

Nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tổ chức hiệu quả tại các hội chợ, triển lãm do các tỉnh, thành phố tổ chức và trên các phương tiện truyền thông. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lao động được quan tâm, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực cho ngành. Các tỉnh, thành phố trong vùng đã đoàn kết, thường xuyên trao đổi tình hình hoạt động du lịch, công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn, sản phẩm du lịch, thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước nhằm nâng cao nghiệp vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch.

Cần mới lạ, đột phá

Dịch COVID-19 kéo dài khiến liên kết vùng Đông Nam Bộ gặp những trở ngại nhất định, nhiều chương trình trong thỏa thuận liên kết vùng không triển khai được; một số cơ sở dịch vụ ngưng hoạt động, lực lượng lao động ngành du lịch mất việc làm, biến động lao động lớn; thu hút đầu tư du lịch ngưng trệ; hạ tầng du lịch các tỉnh, thành chưa đồng bộ… Để thắt chặt liên kết vùng, các tỉnh thành đề xuất phối hợp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên kết tạo thành chuỗi sản phẩm đặc trưng vùng. 

Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tập trung đầu tư khai thác tuyến du lịch sông Đồng Nai kết nối TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương gắn liền với khai thác giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa dọc 2 bên bờ sông và tuyến TP.Hồ Chí Minh- Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu với sản phẩm tham quan, mua sắm TP.Hồ Chí Minh về Đồng Nai du lịch sinh thái rừng và tắm biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, phối hợp đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch cấp quốc gia, quốc tế với nội dung phong phú. Đẩy mạnh đào tạo, bồi đắp sự thiếu hụt về nguồn nhân lực hậu dịch. 

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Đông Nam Bộ hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành vùng du lịch đẳng cấp quốc tế. Cái cần bây giờ là tư duy, cách làm đột phá để trở thành hình mẫu về liên kết của cả nước. Đi du lịch là tìm kiếm cái hay, đẹp, mới để khám phá. Đông Nam Bộ phải tìm được những tọa độ tạo ra sự khác biệt, cạnh tranh quốc tế toàn cầu, chú trọng sản phẩm số và những chuỗi sản phẩm để tạo ra chân dung mới, khí thế mới, đẳng cấp phát triển cho toàn vùng.   

Nhiều ý kiến thảo luận cũng mong muốn vùng phải tăng cường phối hợp xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến chung, tranh thủ sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch và phát huy vai trò đầu tàu của TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu là các địa phương phát triển mạnh về du lịch trong vùng và cả nước. 

Ngoài ra, các địa phương trong vùng cần tạo nhiều sự kiện tổ chức liên hoàn, nhưng tránh trùng lắp về nội dung, thời gian để đảm bảo cho các địa phương khác có thể tham gia đầy đủ, mang lại hiệu quả và sự thành công cho các hoạt động.

Về kế hoạch thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2023, toàn vùng sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch như: Tổ chức khảo sát điểm đến của các tỉnh, thành phố trong vùng, xây dựng chương trình kích cầu du lịch kết nối từ TP.Hồ Chí Minh đến 5 tỉnh Đông Nam Bộ.
Tổ chức chương trình tọa đàm kết nối sản phẩm du lịch đặc trưng các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và công bố các chương trình tour. Tổ chức khảo sát, kết nối chương trình du lịch vùng Đông Nam Bộ với các vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, xây dựng hoàn thiện bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ vùng Đông Nam bộ. Xây dựng trang điện tử quảng bá du lịch vùng Đông Nam bộ. Tăng cường quảng bá du lịch vùng Đông Nam Bộ trên các kênh truyền thông du lịch của các địa phương...
Hội nghị cũng đã chứng kiến nghi thức bàn giao nhiệm vụ tổ chức hội nghị sơ kết luân phiên năm 2023 và đảm nhận trưởng ban điều phối vùng cho Bà Rịa-Vũng Tàu.  

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA - NHẬT LINH

;
.