Tín hiệu vui từ khách du lịch tàu biển

Thứ Sáu, 11/11/2022, 17:28 [GMT+7]
In bài này
.

Chuyến tàu biển mang tên Le Lapérouse 2 lần đưa khách đến Côn Đảo trong tháng 10, 11; đầu tháng 11, Sở Du lịch đón nhóm điều hành cao cấp của các hãng tàu du lịch cùng Tổng Cục Du lịch Singapore đến khảo sát điều kiện tiếp đón tại cảng Cái Mép-Thị Vải và các điểm đến tham quan.

Từ năm 2012, cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải bắt đầu đón tàu du lịch quốc tế. Trong ảnh: Tàu MSC Splendida chở gần 1.400 du khách Âu, Mỹ và hơn 1.100 thuyền viên cập Cảng Tổng hợp Thị Vải tháng 2/2020.
Từ năm 2012, cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải bắt đầu đón tàu du lịch quốc tế. Trong ảnh: Tàu MSC Splendida chở gần 1.400 du khách Âu, Mỹ và hơn 1.100 thuyền viên cập Cảng Tổng hợp Thị Vải tháng 2/2020.

Hai sự kiện trên đánh dấu du lịch tàu biển đã nối lại sau 2 năm gián đoạn do đại dịch. Thế nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tháo gỡ để thúc đẩy loại hình này.

Những dấu hiệu đáng mừng

Sau lần đầu dừng chân cảng Bến Đầm, Côn Đảo ngày 1/10, ngày 11/11, tàu biển cao cấp Le Lapérouse của hãng Ponant (Pháp) tiếp tục đưa hơn 100 du khách cùng thủy thủ đoàn đến Côn Đảo. Côn Đảo là điểm đến đầu tiên tàu dừng chân tại Việt Nam. Du khách trên tàu chủ yếu là người Pháp, còn lại đến từ một số quốc gia khác như Anh, Mỹ, Úc… Đây là 2 chuyến tàu du lịch biển đến Bà Rịa-Vũng Tàu sau hai năm gián đoạn vì COVID-19.

Với Côn Đảo, việc đón tàu Le Lapérouse đánh dấu sự trở lại của điểm đến Côn Đảo trong hải trình tour tàu biển sau rất nhiều năm. Bà Trịnh Thị Minh Hảo, đại diện Công ty CP Vivu Journeys Việt Nam, đơn vị đón tiếp tàu cho biết, các tàu biển kích thước trên 200m thường cập các cảng biển lớn tại Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cam Ranh (Khánh Hòa)… Còn tàu Le Laperouse dài 132m, thiết kế sang trọng, nhỏ gọn đủ để tiếp cận các cảng biển mà tàu lớn không thể ghé vào. Phân khúc khách nghỉ dưỡng cũng cao cấp, đòi hỏi khắt khe hơn trong trải nghiệm, khám phá.

Tàu Le Laperouse khởi hành từ Indonesia, qua Singapore. Khi đến Việt Nam, Côn Đảo là điểm đến đầu tiên tàu tiếp cận. Côn Đảo cũng ít tàu khách ra vào, lại rất nổi tiếng với người Pháp, thiên nhiên hoang sơ, trong lành, bình yên phù hợp với nhu cầu của phân khúc khách tàu phục vụ. “Chúng tôi thiết kế 2 chương trình tham quan Côn Đảo gồm: trung tâm Côn Sơn - hệ thống nhà tù - bảo tàng và khám phá Hòn Cau. Hầu hết du khách đều hài lòng sau chuyến tham quan”, bà Trịnh Thị Minh Hảo cho biết.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn tấp nập khách tàu biển từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Trong ảnh: Du khách rời tàu Vasco da Gama tại Cảng Tổng hợp Thị Vải tham gia tour tham quan Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh chụp tháng 3/2020.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn tấp nập khách tàu biển từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Trong ảnh: Du khách rời tàu Vasco da Gama tại Cảng Tổng hợp Thị Vải tham gia tour tham quan Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh chụp tháng 3/2020.

Sau Côn Đảo, tàu còn lưu lại khám phá dãi đất hình chữ S khoảng nửa tháng và dừng chân Bến cảng Nhà Rồng (TP.Hồ Chí Minh), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Tiên Sa (Đà Nẵng), Chân Mây (Huế), Hòn La (Quảng Bình).

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, sự kiện tàu du lịch cao cấp Le Lapérouse đến Việt Nam sau 2 năm đại dịch, chọn Côn Đảo là điểm dừng chân đầu tiên không chỉ khẳng định tiềm năng du lịch tàu biển và sự hấp dẫn của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu, mà còn thông báo đến toàn thế giới Việt Nam là điểm đến an toàn, sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch, cùng các ngành phục hồi hoạt động kinh tế.

Cần gỡ những nút thắt

Việt Nam nằm tiếp giáp Biển Đông, tuyến giao thương huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới sau Địa Trung Hải. Dải đất hình chữ S có phong cảnh đẹp, bề dày văn hóa lịch sử và hệ thống cảng biển trải dài khắp đất nước.

Đại tá Trần Hoài Nam, Giám đốc TCCT, kiến nghị: “Thông qua Sở Du lịch, cần tổ chức một buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh để các bên liên quan trình bày những vướng mắc đang gặp phải trong thu hút, đón tiếp khách du lịch tàu biển. Qua cuộc gặp các bên sẽ trao đổi, tìm ra tiếng nói chung, tháo gỡ những bất cập, thúc đẩy kết nối và hợp tác lâu dài, lan tỏa đến du khách quốc tế ấn tượng đẹp về đất nước, con người Việt Nam”.

Do vậy, Việt Nam là điểm đến truyền thống trong lịch trình khai thác tour tàu biển châu Á và Đông Nam Á. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, thị trường khách du lịch tàu biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu khá sôi động, với khoảng 50 chuyến tàu cập tuyến cảng Cái Mép-Thị Vải mỗi năm.

Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo Sở Du lịch và Công ty CP Tân Cảng-Cái Mép (TCCT) để trao đổi về công tác phối hợp tiếp đón tàu khách du lịch ngày 8/11 vừa qua, Tổng Cục phó Khối Chính sách và Quy hoạch Tổng Cục Du lịch Singapore - bà Jeannie Lim tiếp tục khẳng định điều này.

Theo bà Jeannie Lim, riêng cụm Cảng Mái Mép - Thị Vải thuận tiện cho tàu du lịch trọng tải lớn cập cảng đưa khách lên bờ tham quan các địa danh văn hóa lịch sử tại Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh và Mỹ Tho (Tiền Giang). Thế nhưng, đại dịch COVID-19 khiến hoạt động giao lưu du lịch giữa 2 nước bị đình trệ gần 2 năm. Gần đây, du lịch cả 2 nước hồi phục nhanh nhờ phòng dịch hiệu quả và mở cửa kịp thời. Du lịch tàu biển tiếp tục hút khách Đông Nam Á. Do vậy việc rà soát, đánh giá lại các điều kiện hợp tác, tuyến điểm tham quan tại Việt Nam thúc đẩy du lịch tàu biển là rất quan trọng.

Tại buổi làm việc, ông Lim Jiun Yan, Giám đốc vận hành Hãng tàu Resorts World Cruises Singapore cho biết, đơn vị đang vận hành tàu Genting Dream, sức chứa 3.352 người với 1.674 phòng ngủ và trên 2.000 thủy thủ đoàn. Tổng tải trọng 151.300 tấn, chiều dài 335m là khách hàng quen thuộc của cụm Cảng Cái Mép-Thị Vải trước dịch.

“Thông qua đại lý, chúng tôi thường chốt lịch thuê cầu bến trước cả năm, song vẫn gặp tình trạng phải thay đổi bến đỗ sát thời điểm tàu cập bến, khiến lịch trình phải điều chỉnh, chi phí thuê bến mới tăng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hãng tàu. Tôi đề nghị cơ quan hữu quan công bố mức phí thuê cầu cảng, mức thu trên đầu khách ổn định lâu dài, đồng thời ưu tiên vị trí neo đậu cho tàu du lịch”, ông Lim Jiun Yan nói.

Đại diện các hãng tàu du lịch, DN lữ hành và Tổng Cục Du lịch Singapore khảo sát điểm đến Bảo tàng tỉnh ngày 8/11.
Đại diện các hãng tàu du lịch, DN lữ hành và Tổng Cục Du lịch Singapore khảo sát điểm đến Bảo tàng tỉnh ngày 8/11.

Mốt số ý kiến lo ngại khâu đón tiếp và bảo đảm an toàn cho du khách tại cảng vì hệ thống trên các tuyến Cái Mép-Thị Vải chức năng chính là cảng hàng hóa, cảng container. Đồng thời mong muốn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quan tâm đầu tư xây dựng cảng chuyên dụng đón tàu du lịch.

Đánh giá buổi gặp hết sức thiết thực để các bên trao đổi thẳng thắn những  vấn đề quan tâm chuẩn bị cho mùa du lịch tàu biển 2022-2023, Đại tá Trần Hoài Nam, Giám đốc TCCT đã cung cấp đầy đủ thông tin về chiều dài cầu bến, khả năng đón tiếp, công tác đảm bảo an toàn, bố trí dịch vụ tại cảng và cam kết luôn ưu tiên vị trí cho tàu du lịch. TCCT cũng đã có lịch trình đón tiếp tàu du lịch quốc tế trong quý 1-2 của năm 2023.

Bài, ảnh: KIM VINH

;
.