Những điều thú vị về Qatar

Thứ Sáu, 25/11/2022, 17:58 [GMT+7]
In bài này
.

Trái bóng World Cup 2022 đã lăn được 1 tuần tại Qatar, quốc gia Ả Rập đầu tiên đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Truyền thông khắp thế giới khai thác thông tin đa chiều về kỳ World Cup đầy tranh cãi. Từ đây cũng hé mở cho thế giới biết nhiều hơn về Qatar, tiểu quốc vùng Vịnh nhỏ bé nhưng nằm trong top 5 GDP đầu người cao nhất thế giới.

Katara Towers, nơi các vị khách VIP của FIFA ở trong thời gian diễn ra World Cup 2022. Ảnh: AFP
Katara Towers, nơi các vị khách VIP của FIFA ở trong thời gian diễn ra World Cup 2022. Ảnh: AFP

Lột xác nhờ dầu và khí đốt tự nhiên

Vào những năm 1900, khi Qatar còn là thuộc địa của Anh, nghề chính của nước này là mò ngọc trai và săn bắt cá bên bờ Tây vịnh Ả Rập. 

Sau khi ngọc trai nuôi cấy của Nhật Bản xuất hiện trên thị trường thế giới vào thập niên 1920, ngành công nghiệp ngọc trai của Qatar dần phá sản. Phần lớn người dân rơi vào cảnh nghèo đói.

Dầu được phát hiện đã làm thay đổi ngoạn mục nền kinh tế Qatar. Năm 1939, mỏ dầu đầu tiên được thăm dò, khai thác. Sau đó, ngành công nghiệp dầu mỏ bị trì hoãn do chiến tranh thế giới II, song nhanh chóng được nối lại.

30 năm sau, quốc gia này tiếp tục phát hiện thêm những mỏ khí tự nhiên với trữ lượng lớn. Trong số đó, mỏ North Field ngoài khơi, được khai thác lần đầu tiên vào năm 1971, tuy không phải là mỏ khí đốt đầu tiên được phát hiện ở Qatar, nhưng là một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Trải dài trên một khu vực gần tương đương với diện tích của Qatar, mỏ dầu này ước tính chiếm khoảng 10% trữ lượng của thế giới.

Qatar tích cực theo đuổi chiến lược phát triển trữ lượng khí đốt tự nhiên thông qua các dự án chung với các công ty dầu khí quốc tế lớn, tập trung vào North Field. Hiện Qatar tự hào có trữ lượng khí đốt tự nhiên đạt khoảng 891.000 tỷ feet khối và sản xuất 16,5 tỷ feet khối/ngày, đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Nga và Iran.

Qatar nằm ở phía Đông bán đảo Ả Rập. Đất nước này có duy nhất đường biên giới đất liền với Saudi Arabia ở phía Nam, 3 mặt còn lại đều bao bọc bởi vịnh Ba Tư. 
Bán đảo Qatar nhỏ, diện tích 11.500km2, dân số chưa đầy 3 triệu người. Trong đó khoảng 10-15% là người Qatar, còn lại là người ngoại quốc. Mặc dù có diện tích nhỏ và dân số ít ỏi, Qatar lại có ảnh hưởng lớn trên trường thế giới với vị thế là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất toàn cầu. 

Với dân số ít, hạn chế nhu cầu khí đốt tự nhiên trong nước, việc tận dụng tối đa tiềm năng trữ lượng khổng lồ ở mỏ phía Bắc đòi hỏi năng lực xuất khẩu khí đốt tự nhiên là cực lớn. Để đạt được hiệu quả này, Qatargas được thành lập vào năm 1984 là một liên doanh giữa Qatar Oil (nay là Qatar Energy) và nhiều công ty dầu mỏ quốc tế khác, bao gồm: ExxonMobil, ConocoPhillips và Total để phát triển khả năng hóa lỏng và xuất khẩu. Năm 1996, Qatar xuất khẩu lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên sang Nhật Bản.

Khi công suất bổ sung đi vào hoạt động, Qatargas đã có thêm nhiều khách hàng như: Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Ấn Độ... Đến năm 2006, chỉ 10 năm sau lần xuất khẩu đầu tiên, Qatar đã vượt Malaysia trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, khí đốt tự nhiên đã vượt qua dầu mỏ để trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của chính phủ và GDP của đất nước.

Ngày nay, chiến lược tập trung vào khí đốt tự nhiên tiếp tục mang lại hiệu quả: Qatargas vận hành 14 đoàn tàu LNG và một đội gồm 25 tàu chở dầu, được sử dụng để xuất khẩu khoảng 70% cho khách hàng hơn 25 quốc gia dưới sự bảo trợ của Qatargas.

Từ làng chài nghèo khó với nền kinh tế phát triển kém nhất khu vực Trung Đông, nhờ doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, Qatar đã “lột xác” hoàn toàn. Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Qatar đã tăng 2/3 trong nửa đầu năm lên 32 tỷ USD, theo truyền thông Nhà nước - một vận may trời cho cho thấy, sự giàu có của quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé khi nước này chuẩn bị tổ chức World Cup 2022. 

Những tòa nhà chọc trời bên vịnh Ba Tư trở thành biểu tượng của Qatar. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Những tòa nhà chọc trời bên vịnh Ba Tư trở thành biểu tượng của Qatar. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Tham gia sân chơi thế giới 

Kể từ đầu thế kỷ này, Qatar đã giành nhiều chiến thắng về quyền lực mềm, bao gồm: đăng cai Đại hội thể thao châu Á 2006, giành quyền đăng cai World Cup 2022 và đóng vai trò trung gian hòa giải trong các tranh chấp cấp cao. Một yếu tố góp phần làm nên thành công này của Qatar là nhờ vào việc tận dụng thành quả kinh tế.

Ở trong nước, khối tài sản khổng lồ được sử dụng rất hiệu quả. Với sự giàu có và phát triển của nền kinh tế, Qatar được phép tổ chức nhiều sự kiện quốc tế có uy tín. Điều đặc biệt là, việc đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ các sự kiện này không gặp bất kỳ khó khăn trở ngại nghiêm trọng về tài chính hoặc phản ứng dữ dội từ người dân. Ngược lại, những sự kiện như vậy thu hút sự chú ý của quốc tế và mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Qatar.

Một phần khác của chiến lược này là, sự hỗ trợ của Qatar Airways thuộc sở hữu Nhà nước, chuyên đưa khách du lịch quốc tế qua trung tâm của họ ở Doha nhằm tăng cường khả năng hiển thị của Qatar.

Qatar đã tận dụng quỹ tài sản có chủ quyền của mình, Cơ quan đầu tư Qatar (QIA) để nâng cao vị thế. Nước này tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình theo cách để duy trì thành công kinh tế và ổn định chính trị xã hội mà không chỉ dựa vào xuất khẩu LNG. QIA cũng đã thực hiện các khoản đầu tư lớn bao gồm các câu lạc bộ bóng đá, ngân hàng và thị trường xe hơi châu Âu, thúc đẩy thương hiệu của đất nước.

World Cup 2022, sự kiện toàn cầu quan trọng có tác động đến nền kinh tế của quốc gia đăng cai được Qatar tận dụng. Người ta ước tính rằng Qatar đã chi 200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng để tổ chức World Cup. Một số khác ước tính con số này có thể lên tới gần 300 tỷ USD. Qatar đã xây mới 7 trong số 8 sân vận động để tổ chức các trận bóng, nâng cấp sân bay quốc tế Hamad, tuyến đường sắt nhẹ, cầu nối giữa Doha và Bahrain, những con đường mới và tàu điện ngầm Doha…   

IMF dự đoán nền kinh tế Qatar sẽ tăng trưởng 3,4%/năm nhờ sự thúc đẩy của World Cup nhưng sau đó sẽ giảm xuống còn 1,7%/năm vào năm 2024. Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã khiến Qatar trở thành nhà cung cấp LNG được lựa chọn nhiều nhất, do vậy, IMF dự kiến sẽ GDP của Qatar sẽ lên 3,8% vào năm 2027 khi sản xuất LNG mới đi vào hoạt động.

Sau khi giải đấu kết thúc, một số cơ sở hạ tầng hỗ trợ được sử dụng mang lại lợi ích cho Qatar. Một số khác như sân vận động, ghế ngồi sẽ bị dỡ bỏ và tặng cho những nước đang phát triển ở Trung Đông và châu Phi. Điều này giúp ích cho chính sách “ngoại giao mềm” của Qatar. 

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Qatar dự kiến sẽ tăng trưởng 3% trong trung hạn, nhờ các khoản đầu tư liên tục liên quan đến việc tổ chức cúp bóng đá thế giới. Nước chủ nhà sẽ có thể sản xuất nhiều hơn và tăng GDP, điều đó có nghĩa là tiêu dùng, đầu tư, mua hàng của chính phủ và xuất khẩu ròng cũng tăng. Mức tiêu thụ trung bình cũng tăng vì sẽ có nhiều khách du lịch tham dự sự kiện thể thao lớn bậc nhất hành tinh. Khi số lượng khách du lịch nhiều lên, người ta sẽ nhận thấy rằng số lượng chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ tăng tương ứng. Ngoài ra, các khoản đầu tư vào Qatar được dự báo cao lên.

“Mục tiêu của Qatar là sử dụng sự kiện này làm bàn đạp để giới thiệu các dịch vụ của mình và hy vọng sẽ thúc đẩy lượng khách du lịch quốc tế từ 2,1 triệu vào năm 2019 lên 6 triệu mỗi năm vào năm 2030”, Saugata Sarkar, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của QNB Financial Services cho biết.

Mặc dù hầu hết nhà nghiên cứu cho rằng việc tổ chức World Cup không giúp thúc đẩy đáng kể FDI, nhưng đây là một phần trong chiến lược nhằm biến Qatar thành điểm đến của các sự kiện lớn. Danh tiếng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện lớn toàn cầu sẽ thúc đẩy FDI vào Qatar trong trung hạn. 

KHÁNH HẰNG 

(Tổng hợp)

 
;
Tour Mỹ trọn gói
.