NÂNG TẦM DU LỊCH VŨNG TÀU

Bãi Sau phải tiến lên trước

Thứ Bảy, 26/11/2022, 07:02 [GMT+7]
In bài này
.

“Đi Vũng Tàu là phải ra Bãi Sau”. Câu nói cửa miệng của giới du lịch đủ khẳng định vị trí “mặt tiền” của Bãi Sau trong lòng du khách. Vậy làm thế nào để Bãi Sau xứng tầm bộ mặt đại diện cho du lịch Vũng Tàu, đây là bài toán mà tỉnh đang quyết tâm thực hiện.

Phối cảnh quy hoạch trục đường Thùy Vân và Bãi Sau.
Phối cảnh quy hoạch trục đường Thùy Vân và Bãi Sau.

Chưa theo kịp nhịp độ phát triển

Bãi Sau có chiều dài khoảng 3,2km đường bờ biển bám theo đường Thùy Vân (giới hạn từ đường Phan Chu Trinh đến Nguyễn An Ninh). Địa hình bãi phẳng, cát trắng, độ dốc thoai thoải, sóng gió hiền hòa bốn mùa vô cùng thuận lợi cho các hoạt động tắm biển, vui chơi, thể thao, giải trí phù hợp với môi trường biển. Từ điều kiện thiên nhiên ưu đãi, từ rất sớm chuỗi dịch vụ phục vụ du lịch đã hình thành tại Bãi Sau.

Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bãi tắm Thùy Vân được UBND tỉnh phê duyệt năm 1995, có điều chỉnh vào năm 1997. Quy hoạch này tạo tiền đề để Bãi Sau trở thành trung tâm của Vũng Tàu với hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ phụ trợ chạy dọc tuyến đường giáp biển Thùy Vân và các tuyến đường đổ ra Bãi Sau như: Phó Đức Chính, Phan Văn Trị, La Văn Cầu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám…

Thế nhưng, sau gần 30 năm quy hoạch cũ đã bộc lộ nhiều bất cập cả về công năng sử dụng lẫn kiến trúc cảnh quan. Cụ thể, việc chia lô, rào chắn khuôn viên từng dự án làm chia cắt Bãi Sau, hạn chế lối xuống biển của người dân, che tầm nhìn ra biển. Các công trình dịch vụ xây dựng theo quy hoạch trước đây như hồ bơi, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà tắm nước ngọt… mỗi nơi mỗi kiểu thiếu thẩm mỹ, làm cảnh quan khu vực lộn xộn.

Dịch vụ nghèo nàn, chủ yếu tắm biển, ngồi ghế bố ban ngày, không đem lại hiệu quả kinh tế. Thiếu dịch vụ tạo sân chơi, giải trí về đêm khiến Bãi Sau buồn tẻ, kém sức hút, không còn phù hợp với định hướng và tình hình phát triển kinh tế của thành phố.

Tuyến đường Thùy Vân ngày càng xuất hiện nhiều điểm ùn tắc cục bộ từ Phan Chu Trinh đến Hoàng Hoa Thám và các nút giao kết nối các tuyến đường nhánh Phan Văn Trị, Phó Đức Chính, La Văn Cầu. Hệ thống cây xanh cảnh quan phát triển tự phát bên trong các khu du lịch. Cây xanh đường phố được đầu tư bài bản nhưng chưa tạo được tiếng nói riêng cho tuyến đường quan trọng này.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thủy triều làm xói lở bờ biển và xâm thực ngày càng nghiêm trọng. Nhu cầu về bãi đậu xe ngày càng cao và quá tải. Tệ nạn chặt chém, trình trạng buôn bán, ăn uống xả rác ra bãi biển, nơi công cộng gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị khiến hình ảnh TP.Vũng Tàu xấu đi trong mắt khách du lịch.

Phải cấp bách nâng tầm

Từ những lý do trên, việc nâng tầm Bãi Sau là cực kỳ cấp thiết nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển xây dựng khu du lịch và các không gian đô thị mang tính bền vững, ổn định với chất lượng dịch vụ nâng tầm, đồng thời hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu thông tin, ngày 8/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 528 phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trục đường Thùy Vân. Phạm vi quy hoạch từ đường Phan Chu Trinh đến đường Nguyễn An Ninh dài khoảng 3,2km. Chiều rộng lấy từ đường Thùy Vân về phía đất liền khoảng 250m, về phía biển khoảng 100m, thuộc địa bàn các phường: 2, 8 và Thắng Tam. Diện tích quy hoạch khoảng 77,9ha, trong đó có khoảng 25ha phần bãi biển với tính chất là khu hỗn hợp du lịch, dịch vụ, thương mại, công viên công cộng, quảng trường và bãi biển chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Theo ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, những năm gần đây Vũng Tàu đang chuyển mình mạnh mẽ. Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy Vũng Tàu trở thành đô thị dịch vụ du lịch, tài chính, thương mại, văn hóa trọng điểm tầm vóc khu vực và quốc tế. Bãi Sau càng phải cấp thiết chỉnh trang với diện mạo mới, hiện đại, đẳng cấp, xứng đáng là trái tim biểu trưng của du lịch TP.Vũng Tàu nói riêng và Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung.
“Tôi tin tưởng rằng khi tiến hành đấu giá đất chắc chắc thành phố sẽ có cơ hội chọn nhà đầu tư có thực lực với sản phẩm, dịch vụ tốt để phát triển Bãi Sau thành khu du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế”, ông Khoa nói.

Các công trình được bố trí nổi và 3 tầng hầm liên thông, kết nối với các công trình nổi trên mặt đất. Phần phía biển gồm khu công viên cây xanh hiện hữu và các công trình dịch vụ công cộng (nhà hàng, công viên nước gia đình, hồ bơi cảnh quan, không gian cộng đồng, rạp chiếu phim ngoài trời, quảng trường…).

Các khu chức năng được phân chia thành 6 không gian chủ đề khác nhau gồm: không gian tự nhiên, không gian gia đình, không gian thanh thiếu niên, không gian về đêm, không gian lễ hội, không gian cộng đồng và nghệ thuật.

Trong đó, đề xuất một tuyến đường dạo chính, kết nối toàn bộ chiều dài ven biển, không gian công cộng - thương mại dịch vụ hỗn hợp bố trí sinh động xen kẽ không gian cây xanh và đường dạo bộ. Quảng trường đoạn Lê Hồng Phong mở rộng về hướng biển. Xây dựng mới, cải tạo đồng bộ tuyến kè ven biển đến hết vị trí ranh giới khu quy hoạch.

Hiện nay, UBND TP.Vũng Tàu đang thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất (đối với những công trình được cấp phép). Sau khi hoàn thành thu hồi đất, quỹ đất trên sẽ được đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất và thuê đất xây dựng công trình ngầm theo chủ trương thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

;
.