Các nước Đông Á dốc sức vực dậy du lịch

Thứ Sáu, 11/11/2022, 17:24 [GMT+7]
In bài này
.

Sau đại dịch COVID-19, các nước khu vực Đông Á đã và đang thực hiện nhiều chương trình riêng để kích cầu du lịch, đồng thời thắt chặt kết nối, hợp tác nhằm tạo những cơ hội mới nhằm phục hồi ngành du lịch trong thời gian sớm nhất.

Thành phố Yogyakarta được mệnh danh là thủ đô văn hóa của Indonesia.
Thành phố Yogyakarta được mệnh danh là thủ đô văn hóa của Indonesia.

Cuối tháng 10 vừa qua, tại Quảng Ninh, 10 tỉnh các nước khu vực Đông Á tham gia Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) đã trao đổi kinh nghiệm và kế hoạch vực dậy ngành công nghiệp không khói với quyết tâm Đông Á sẽ là trung tâm của kỷ nguyên du lịch mới.

Thu hút khách trong EATOF

EATOF là tổ chức du lịch liên khu vực Đông Á được thành lập từ năm 1999 tại tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Diễn đàn bao gồm 10 tỉnh thành viên thuộc 10 quốc gia trong khu vực Đông Á, gồm: tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc), Cebu (Philippines), Gangwon (Hàn Quốc), Luang Prabang (Lào), Quảng Ninh (Việt Nam), Siem Riep (Campuchia), Sarawak (Malaysia), Tottori (Nhật Bản), Tuv (Mông Cổ), Yogyakarta (Indonesia). Mục tiêu của diễn đàn nhằm cùng nhau hợp tác phát triển ngành công nghiệp du lịch bền vững trong khu vực và giữa các nước thành viên.

Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu du lịch của du khách thay đổi theo hướng trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa và câu chuyện làm nên điểm đến. Xu hướng du lịch cá nhân, nhóm ít người cũng thay thế hẳn du lịch đại trà đám đông lớn. Bên cạnh đó, thị trường trọng điểm của du lịch Đông Á là Trung Quốc vẫn đóng cửa phòng dịch. Chiến tranh Nga- Ukraina chưa có hồi kết khiến người dân các Đông Âu nín thở, không còn tâm trí du lịch. Lạm phát lan rộng toàn cầu, người dân thắt chặt chi tiêu không thiết yếu, trong đó có du lịch.

Trong bối cảnh trên, các tỉnh trong EATOF xích lại, thu hút khách của nhau như một cách giúp nhau phục hồi du lịch. Đồng thời, có chiến lược riêng hướng tới 2 thị trường lớn là Ấn Độ và Australia.

Tỉnh Tuv (Mông Cổ) tập trung phát triển các sản phẩm du lịch như: con đường tơ lụa, con đường trà, hướng tới Năm Du lịch Mông Cổ vào năm 2023 - 2024. Bên cạnh đó, vùng lãnh thổ này cũng chuyển hướng khai thác khách quốc tế từ các nước Đông Á và miễn visa đến hết 2024 cho khách du lịch Hàn Quốc.

Tỉnh Gangwon - điểm đến hàng đầu của du lịch Hàn Quốc cũng thay đổi các mô hình du lịch trong đó tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá du lịch trực tuyến qua điện thoại thông minh, internet. Ông Kim Jin-Tae, Tỉnh trưởng tỉnh Gangwon cho biết, Gangwon cũng đẩy mạnh khai thác những câu chuyện văn hóa địa phương tạo ấn tượng với du khách ngay từ những hình ảnh đầu tiên. Và tăng cường ngoại giao du lịch, ngoại giao kinh tế, dựa trên du lịch truyền thống khai thác những yếu tố văn hóa địa phương đáp ứng xu hướng du lịch chất lượng cao mang lại lợi ích bền vững cho điểm đến hậu dịch.

Xích lại gần nhau

Ngủ lều là “đặc sản” của du lịch Mông Cổ.
Ngủ lều là “đặc sản” của du lịch Mông Cổ.

Nhận thấy rõ muốn đi xa, đi nhanh phải đi cùng nhau, trong chiến lược vực dậy du lịch, các chính quyền địa phương EATOF sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong việc phát triển nguồn khách đa dạng, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống.

6 tỉnh có sân bay quốc tế là Gangwon (Hàn Quốc), Tuv (Mông Cổ), Siem Riep (Campuchia), Sarawak (Malaysia), Luang Phrabang (Lào) và Cebu (Philippines) thống nhất tập trung nghiên cứu mở đường bay thẳng đến Vân Đồn, Quảng Ninh và các tỉnh khác trong khu vực.

Thúc đẩy sự phát triển du lịch dựa trên văn hóa, bảo tồn văn hóa, tập trung vào du lịch chất lượng để thu hút du khách lưu trú dài ngày bằng điểm đến “đa trải nghiệm” nhằm tìm lời giải cho du lịch hậu đại dịch.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, việc cân bằng giữa tiếp thị du lịch di sản và giáo dục các cộng sự du lịch cũng như khách du lịch về tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị di sản trong EATOF cũng rất quan trọng. Đây là thời điểm quan trọng để cân bằng giữa bảo tồn các giá trị của di sản và phát triển du lịch; hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu với các di sản; xem xét lại tính bền vững và phát triển du lịch dựa vào các di sản thế giới.

“Phải tính toán được tính chống chịu của di sản trước sự phát triển, hình thành các sản phẩm thiên về trải nghiệm, bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản trong quá trình phát triển. Phát triển du lịch một cách có chọn lọc thay vì đại trà, theo đám đông. Hỗ trợ cộng đồng, nâng cao năng lực trong chia sẻ các kỹ năng quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình phát triển. Thông qua EATOF để chia sẻ kinh nghiệm phát triển, các mô hình tốt, phát huy điểm mạnh; chia sẻ kiến thức, việc hoạch định chính sách phát triển du lịch giữa các quốc gia”, ông Christian Manhart nhấn mạnh.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, du lịch bền vững cần mang tính sáng tạo, tích hợp xu hướng mới, lấy cộng đồng địa phương là trung tâm quản lý du lịch. Phải tạo tiền đề bảo tồn các di sản phi vật thể, phát huy giá trị cộng hưởng của hợp tác công - tư, tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển mới. Vì thế, EATOF cần tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa cạnh tranh hơn thông qua việc bảo tồn văn hóa trong phát triển du lịch, khai thác các điểm đến chưa quá nổi tiếng để giảm tải cho các điểm đến trung tâm.

KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)

 

;
.