TIN BÀI LIÊN QUAN
Những khu vực quy hoạch là khu dân cư qua nhiều năm đã biến thành các khu kinh doanh lưu trú sầm uất. Những ngôi nhà chỉ được phép xây 3-4 tầng nay xây lên 7-8 tầng để làm nhà nghỉ, khách sạn. Phạt thì cũng đã phạt nhưng công trình vẫn tồn tại và hoạt động như chuyện đã rồi. Nếu chấp nhận hiện trạng, thì vô vàn bài toán sẽ cần phải giải quyết trong tương lai.
Nhiều khu dân cư tại TP. Vũng Tàu dày đặc cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Trong ảnh: Phố nhà nghỉ trên đường Phan Văn Trị (phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu). |
Quy hoạch một đằng, hoạt động một nẻo
Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, hiện nay thành phố có hơn 50 dự án nhà ở như: Á Châu (phường 2), Bến Đình, Sao Mai-Bến Đình, Decoimex (phường 9), Trung tâm đô thị Chí Linh (phường 10)...
Theo quy định, công trình trong các dự án này phải xây dựng theo mẫu thiết kế được duyệt và được thỏa thuận với chiều cao từ 3-4 tầng. Chiều cao này là do chính chủ dự án đề nghị và là chiều cao thông dụng nhất đối với công trình nhà ở liền kề. Các công trình này được miễn giấy phép xây dựng, nhưng phải xây theo đúng mẫu thiết kế được duyệt. Các trường hợp có nhu cầu điều chỉnh mẫu thiết kế phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng công trình xây dựng vượt số tầng cho phép trên địa bàn thành phố diễn ra khá phổ biến, nhiều nhất là ở khu Á Châu (phường 2).
Theo ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, khu Á Châu được quy hoạch là khu nhà ở liền kề. Dự án đã được chủ đầu tư khảo sát, lập đồ án và được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, thỏa thuận thiết kế kiến trúc mẫu nhà ở từ hàng chục năm trước.
Tại thời điểm đó, quy mô chiều cao của công trình từ 3-4 tầng là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của thành phố và thu nhập của người dân. Tuy nhiên, nhiều chủ công trình tự ý nâng thành 6-8 tầng để kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, homestay. Cụ thể, tại khu Á Châu có 13 công trình xây vượt 3-5 tầng đã bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu tháo dỡ tầng xây vượt.
Trước tình trạng xây vượt số tầng quy định để kinh doanh lưu trú, ngày 11/8/2017, UBND TP. Vũng Tàu và Sở Xây dựng đã thống nhất “Đối với khu Á Châu không cho phép chuyển đổi quy hoạch thành tính chất dịch vụ du lịch mà phải giữ nguyên tính chất quy hoạch là khu nhà ở” tại thông báo số 4550/TB-TPVT-SXD. Tuy nhiên, phần lớn nhà tại khu Á Châu đang phục vụ cho hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, không đúng với công năng, không đúng quy hoạch.
Khi chúng tôi thực hiện loạt phóng sự này, nhiều công trình sai phép ở khu Á Châu đã bị cơ quan chức năng xử phạt cách đây 4-5 năm vẫn tồn tại như “chuyện đã rồi” và hoạt động kinh doanh lưu trú, homestay một cách sôi động.
Khách du lịch đông, gây áp lực về hạ tầng và công tác xử lý môi trường. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Dịch vụ Môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu thu gom rác thải trên đường Thùy Vân. |
Tương tự, theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt, khu biệt thự Thanh Bình (phường 10, TP. Vũng Tàu) do Công ty TNHH TV-DV-TM Thanh Bình làm chủ đầu tư có diện tích khoảng 22,6ha. Trong đó, 4ha “vùng lõi” của dự án được quy hoạch là nhà ở biệt thự với khoảng 70 căn. Nhưng hiện nay, hầu hết các căn biệt thự ở khu này đã được dùng cho khách du lịch thuê kể cả những căn nằm trong “vùng lõi”. Đó là lý do gây nên tình trạng ồn ào, mất an ninh trật tự của khách du lịch, ảnh hưởng đến đời sống của những hộ dân sử dụng nhà ở đúng công năng.
Nhiều khu dân cư lâu năm khác như khu Lạc Long Quân, khu Võ Thị Sáu hay các khu dân cư gần biển như Hồ Quý Ly, La Văn Cầu, Phan Văn Trị… cũng đang hoạt động chủ yếu phục vụ du lịch, khác với quy hoạch khu dân cư như ban đầu đã được phê duyệt. Và lâu dần, người ta nghiễm nhiên cho rằng các khu dân cư đó là khu để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
Áp lực về hạ tầng, môi trường
Những khu dân cư trở thành những khu kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Thực tế này đã tạo ra nhiều áp lực về quản lý môi trường, an ninh trật tự và xây dựng.
Có thể lấy ví dụ, khu dân cư Lạc Long Quân (phường 2) được phê duyệt tại Quyết định số 3368/QĐ-UBT ngày 8/12/1997. Dự án do Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ đầu tư, với diện tích 5,27 ha. Quy mô của khu này chỉ đáp ứng cho khoảng 300 người. Nhưng vào những ngày cao điểm, mỗi căn biệt thự cho thuê có đến 20-40 người/căn. Nếu tính cả khu thì sẽ thấy rõ áp lực về việc tăng dân số cơ học đè nặng lên môi trường sống ở khu vực này: an ninh trật tự khó được bảo đảm, cấp điện, nước, hạ tầng đô thị không đáp ứng, gia tăng chi phí xử lý môi trường…
Anh Hùng (nhà ở khu biệt thự Lạc Long Quân) cho biết: “Chúng tôi phải trả tiền điện, tiền nước bằng người dân ở các khu dân cư khác. Nhưng thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ, Tết, lượng khách du lịch lưu trú ở khu Lạc Long Quân quá đông nên điện yếu, nước cũng yếu, nhất là vào giờ cao điểm”.
Theo ông Nguyễn Trọng Thụy, khi quy hoạch, các khu dân cư này chỉ tính toán yêu cầu về cấp điện, cấp nước, chỗ đậu xe… cho đủ số dân dự kiến sinh sống trong khu dân cư với trung bình từ 4-6 người/hộ. “Khi biệt thự không ở chuyển sang cho thuê, khách du lịch tăng gấp 10-20 lần so với tính toán ban đầu thì nhu cầu về điện, nước, chỗ đậu xe và thậm chí xử lý rác thải cũng không đáp ứng được là điều chắc chắn”, ông Thụy khẳng định.
Tính đến nay, TP. Vũng Tàu có khoảng 700 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, chiếm gần 50% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Lượng khách du lịch đến thành phố không ngừng tăng
qua các năm, với khoảng 23 triệu lượt người/5 năm.
|
Trong khi đó về rác thải sinh hoạt, theo thống kê của đơn vị xử lý, trung bình mỗi ngày TP. Vũng Tàu phát sinh khoảng 400 tấn rác thải. Nhưng những ngày lễ, Tết lượng rác thải của thành phố tăng lên đến 800-900 tấn/ngày. Với đơn giá xử lý rác hiện nay là 374.269 đồng/tấn thì những ngày cao điểm thành phố phải chi trả gần 300 triệu đồng/ngày để xử lý rác bằng nguồn ngân sách, gấp đôi so với ngày thường chỉ xử lý rác sinh hoạt của dân địa phương.
Ngoài ra, những khu dân cư có nhiều nhà nghỉ, homestay, du khách tập trung rất đông vào các dịp cuối tuần và lễ, Tết, gây nên áp lực về việc bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, PCCC. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú chỉ có một nhóm hộ kinh doanh, DN được thụ hưởng đầy đủ. Còn cơ quan chức năng, địa phương khó thống kê, kiểm soát hết được lượng du khách đến lưu trú trên địa bàn để tính toán chiến lược phát triển du lịch lâu dài.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường 2, trên địa bàn phường có hơn 200 khách sạn, nhà nghỉ, homestay… Tình trạng xe du lịch đậu tại các khu dân cư Lạc Long Quân, Á Châu và Võ Thị Sáu cản trở lối ra vào của các hộ dân sinh sống tại đây khá phổ biến. Nhiều tuyến đường xuống cấp nhanh là do xe quá khổ thường xuyên chở khách du lịch đi - đến, dừng-đậu. Vì vậy, phường kiến nghị TP. Vũng Tàu và Sở GT-VT cho phép cấm đậu xe du lịch trong khu dân cư để giảm áp lực cho hạ tầng đô thị.
Đồng ý với ý kiến này, ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng Phòng Quản lý đô thị cho hay: “Các tuyến đường tại khu vực này trước đây quy hoạch lộ giới hẹp (9,5-11m). Chúng tôi đang xem xét đề xuất thành phố và các đơn vị có liên quan quy hoạch không cho phép ô tô vào các tuyến đường này”.
|
Khu Á Châu được quy hoạch là khu dân cư nhưng nay đã trở thành một khu kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch sầm uất |
(Còn nữa)
Bài, ảnh: QUANG VŨ