.

Du lịch xanh để phát triển bền vững

Cập nhật: 19:11, 21/10/2022 (GMT+7)

Xu hướng này đã định hình trước đó, nay càng khẳng định rõ hơn từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo giới chuyên gia, du lịch xanh đóng vai trò to lớn trong bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Du lịch về với thiên nhiên trở thành xu hướng hậu đại dịch. Trong ảnh: Du khách chụp ảnh tại hồ Suối Giàu thơ mộng (xã Suối Rao, huyện Châu Đức).
Du lịch về với thiên nhiên trở thành xu hướng hậu đại dịch. Trong ảnh: Du khách chụp ảnh tại hồ Suối Giàu thơ mộng (xã Suối Rao, huyện Châu Đức).

Những đốm lửa du lịch xanh

Sau lần đầu nghỉ dưỡng tại Suối Rao Ecolodge (huyện Châu Đức) dịp đầu năm 2022, 10 tháng sau, ông Guignard Armand (đến từ Thụy Sĩ) tiếp tục đưa gia đình đến đây tận hưởng kỳ nghỉ giữa thiên nhiên trong lành, xanh thẳm, mát mẻ. Ông Guignard Armand cho biết, rừng ở Suối Rao Ecolodge quá đẹp, cây xanh nhiều, chim muông hót ca cả ngày mang đến cảm giác thư giãn tuyệt vời. Điều này hứa hẹn vợ chồng ông sẽ còn nhiều chuyến quay trở lại nghỉ ngơi, tái tạo, hồi phục sức khỏe.

Suối Rao Ecolodge lấy bảo tồn đa dạng sinh học đặc hữu làm nền tảng. Trên diện tích 5ha, nơi đây lưu giữ hơn 600 loài thực vật bản địa, trong đó có các loại nấm, các loài hoa, cây rừng, cây ăn trái, dược liệu… với tỷ lệ phủ xanh lên đến 95%. Chủ đầu tư chỉ xây dựng 5% diện tích gồm nhà hàng, phòng trà và 8 căn villa (từ 30-140m2) bằng vật liệu thân thiện với môi trường (gạch nung tự nhiên, ngói, tre, gỗ) tạo tiện ích phục vụ khách nghỉ dưỡng. Đây cũng là thành quả mà chủ đầu tư kiến tạo qua hơn 10 năm từ chiến lược xanh để phát triển bền vững, tình yêu lớn lao dành cho thiên nhiên và từ sự trợ giúp bài bản của các chuyên gia, nhà nghiên cứu sinh vật học trong và ngoài nước.

Bà Lê Thị Nga, chủ Suối Rao Ecolodge chia sẻ, bà muốn cộng đồng du lịch xã Suối Rao, huyện Châu Đức nói riêng và toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung cùng trồng thật nhiều cây xanh tạo môi trường thật tự nhiên nhất, khuyến khích người dân và du khách sống xanh để tạo ra sự phát triển bền vững lâu dài.

Tương tự, nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển trên địa bàn tỉnh cũng đạt mật độ phủ xanh cao. Tại Melia Hồ Tràm Resort, tỷ lệ mảng xanh chiếm 84%. Từ năm 2018, resort này loại bỏ tất cả vật dụng nhựa sử dụng một lần, thay bằng vật dụng làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường như: dép cói, lược-bàn chải gỗ,  ly-tách thủy tinh, ống hút gạo.

Nhiều năm qua, Minera Hot Spring Bình Châu luôn bảo tồn, khai thác hiệu quả hệ sinh thái rừng, biển; nguồn khoáng nóng tự nhiên 37-820C, với 70 điểm phun lộ thiên. Nơi đây cũng không ngừng chăm sóc, nhân thêm mảng xanh trong khuôn viên. Năm 2022, Minera Hot Spring Bình Châu trở thành 1 trong 5 khu nghỉ dưỡng của Việt Nam được nhận giải thưởng khách sạn xanh ASEAN; được Tổ chức Du lịch Thế giới đưa vào danh mục 65 điểm của 47 quốc gia phát triển du lịch sinh thái bền vững trên toàn cầu.

“Bà Rịa-Vũng Tàu cần quảng bá thiên nhiên hoang sơ, bãi tắm đẹp, an toàn, thân thiện, những tiện ích dịch vụ cao cấp ở khu vực Hồ Tràm, Hồ Cốc mạnh mẽ hơn nữa để khách quốc tế biết đến nhiều hơn”, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Đông Nam Á Roland Berger Bùi Đào Thái Tường nhấn mạnh.

Kết nối xanh để phát triển bền vững

Sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đang trên đà phục hồi tốt. Phân khúc khách thu hút về cũng chất lượng hơn, công suất phòng đều hơn. 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh đón hơn 10,233 triệu lượt khách, tăng 225 % so với cùng kỳ; doanh thu đạt hơn 10.175 tỷ đồng, tăng 77,68 % so với cùng kỳ. Các điểm du lịch, resort nghỉ dưỡng trong lành, nhiều cây xanh và có các giải pháp bảo vệ môi trường tốt đạt công suất phòng tốt. Điều này cho thấy xu thế du lịch xanh sẽ tiếp tục thịnh hành hậu đại dịch.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu có đầy đủ điều kiện và khả năng để thực hành du lịch xanh nhằm hồi sinh ngành du lịch và thúc đẩy kinh tế phục hồi. Trong tất cả các chương trình, kế hoạch, đề án của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra đều lồng ghép phát triển du lịch chất lượng cao gắn với du lịch xanh. Đây là cơ sở để ngành du lịch hướng tới thực hành du lịch xanh nhằm hồi sinh ngành du lịch và thúc đẩy kinh tế phục hồi.

Ông Bùi Đào Thái Trường, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Đông Nam Á Roland Berger - đơn vị chuyên về tư vấn quy hoạch đô thị - cho rằng những địa danh như: Hồ Tràm, Hồ Cốc, suối khoáng nóng Bình Châu chính là những điểm đến xanh “mới nổi” nhưng có sức hút đặc biệt đối với du khách. “Các hàng rào phòng dịch đang được gỡ bỏ, đi lại xuyên quốc gia thông thoáng. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút khách nghỉ dưỡng từ những quốc gia lân cận nghỉ dưỡng cuối tuần.

Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu cần áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho toàn bộ khu dân cư tập trung, KDL, cơ sở sản xuất để phát triển các đô thị ven biển theo hướng bền vững, lâu dài. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, khi áp dụng kinh tế tuần hoàn, từ năng lượng sử dụng, hoạt động gieo trồng, phát điện, nấu nướng, nguồn nước sinh hoạt… đều được tận dụng, tái tạo từ tự nhiên, hạn chế tối đa tác động hóa học làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống, kết hợp tuyên truyền, giáo dục tăng cường ý thức bảo vệ môi trường cho dân cư và du khách.

Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ tăng khả năng thích ứng, chống chịu cho khu dân cư, tăng sức hút cho vùng đất và quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe của con người. Mô hình này nên được áp dụng tại các đô thị du lịch mới nổi như: Hồ Tràm, Phước Hải, Côn Đảo…

Bài, ảnh: KIM VINH

.
.
.