Môi trường biển, sóng gió luôn tiềm ẩn rủi ro, hiểm nguy. Cứu hộ thạo nghề mới giữ an toàn cho du khách được. Đó là chia sẻ của các cứu hộ viên vừa tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp cứu thủy nạn do Sở Du lịch tổ chức, từ ngày 20/4 đến ngày 12/5 tại Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort.
Học viên thực hành tiếp cận người bị đuối nước từ phía sau. |
Học kinh nghiệm thực tế
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại hồ bơi Hương Phong - Hồ Cốc Beach Resort, nơi lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp cứu thủy nạn diễn ra, khi lớp học sắp hoàn thành chương trình huấn luyện. Khu vực tập luyện sát biển. Mới sáng sớm nhưng thời tiết khá oi bức, báo hiệu một ngày không mấy dễ chịu cho các hoạt động ngoài trời.
Một hồi còi hiệu vang lên từ anh Trần Hữu Bảo Luyện, Tổ trưởng tổ cứu hộ Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu, phụ trách trực tiếp lớp học, toàn bộ học viên bắt đầu buổi huấn luyện với bài khởi động thể lực. Bài khởi động khoảng 20 động tác làm nóng cơ khớp kết hợp rèn thể lực, nâng sức dẻo dai như chạy tại chỗ, nhảy bật, thụt dầu, hít đất… kéo dài một tiếng.
Sau bài khởi động, học viên vào phần chính luyện các bài ứng dụng cứu vớt người đuối nước. Không ai bảo ai, học viên tự chia từng nhóm 4 người ôn lại các kiểu bơi, cách tiếp cận người bị đuối nước, cách kéo, vác xốc nước. Hết học dưới nước, học viên lại lên bờ thực hành sơ cứu hồi sức, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo, kiểm tra mạch người bị ngạt nước trên ma-nơ-canh và người thật. Rồi lại ra biển thực tập kỹ thuật sử dụng phao cứu đuối, mô tô trượt nước, thuyền kayak hỗ trợ cứu vớt người…
Các động tác được học viên thực hành thuần thục, như đã quen thuộc từ rất lâu. Anh Trần Hữu Bảo Luyện và 2 trợ giảng theo sát, quan sát từng thao tác của học viên. Thi thoảng, các anh chỉnh sửa tư thế đặt tay xoa ấn ngực, tìm điểm kiểm tra mạch… chưa chuẩn của học viên. Cứ thế, mặt trời đứng bóng, lớp học cũng hoàn thành chương trình huấn luyện buổi sáng.
Anh Luyện cho biết, anh có hơn 30 năm làm cứu hộ bờ biển, nên toàn bộ kiến thức anh truyền đạt cho học viên được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế. Anh cho hay, môi trường biển sóng gió, hình thành ao xoáy, dòng chảy phức tạp. Người cứu hộ phải khỏe thể chất để thường xuyên vượt sóng, có tâm cứu người và đam mê nghề thì mới làm được. Đó là lý do ngày đầu khai mạc lớp học có trên 50 người đăng ký, đến giờ chỉ còn 28 học viên gắn bó.
Anh Trần Văn Nho, cứu hộ tại I-relax Bangkok Resort cho biết, cũng là những bài học nghiệp vụ về cứu người đuối nước, nhưng việc tập trung vào tình huống ứng dụng trong thực tế giúp anh biết cách nhìn vùng nước xoáy, dòng chảy xa bờ. Bên cạnh đó, anh còn được hướng dẫn để chuẩn chỉnh lại tư thế bơi, kỹ thuật tiếp cập nạn nhân và thao tác cứu đuối đúng để giữ an toàn cho bản thân và cứu vớt được nạn nhân.
Còn anh Phạm Trung Dũng, làm cứu hộ tại Hồ Tràm Beach Resort chia sẻ, trong lớp học anh còn được nghe diễn giải về cơ chế hoạt động của cơ thể người, cách giảm tối đa những chấn động tiêu cực cho nạn nhân… “Các huấn luyện viên còn truyền lửa tận tâm, lòng tự hào với sứ mệnh nhân đạo cứu người để tôi thêm tự hào và thêm yêu công việc của mình”, anh Dũng nói.
Thực hành vác xốc nước nạn nhân bị đuối nước. |
Vì sự an toàn của du khách
BR-VT có đường bờ biển dài, các hoạt động du lịch chủ yếu gắn với bãi biển. Từ rất sớm, tỉnh BR-VT đã quan tâm công tác bảo đảm an toàn cho khách tắm biển. Đội ngũ làm công tác cứu hộ bờ biển cũng thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cứu đuối. Việc xây dựng đội ngũ cứu hộ giỏi nghiệp vụ, yêu nghề không chỉ góp phần hạn chế rủi ro, tai nạn cho người tắm biển mà còn xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn cho du lịch địa phương.
Năm 1988, BR-VT là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập đội cứu hộ bờ biển. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là tuần tra, ứng trực trên bãi biển để nhắc nhở, cảnh báo du khách tránh xa các khu vực nguy hiểm; cứu người tắm biển gặp sự cố trôi phao, lật phao, đuối nước. Tuy nhiên, nước ta chưa có trường lớp đào tạo nghề cứu hộ bờ biển mà chủ yếu người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau.
Mỗi năm, tỉnh BR-VT đều mở các khóa huấn luyện cứu hộ ngắn ngày. Và những cứu hộ viên dày dạn kinh nghiệm được giao đảm nhận việc huấn luyện, giảng dạy. Nhờ vậy, năng lực cứu đuối tăng dần, giúp du khách tắm biển yên tâm hơn.
Nhiều du khách chia sẻ, mỗi lần đến BR-VT tắm biển thấy đội ngũ cứu hộ túc trực thường xuyên trên bãi tắm, liên tục thổi còi nhắc nhở khách không tắm ở vùng biển có dòng chảy mạnh hay ao xoáy, giúp họ yên tâm tắm biển, vui chơi.
Ngoài việc thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng cấp cứu thủy nạn, việc trang bị phương tiện phục vụ cứu hộ như: phao, cờ hiệu, cọc tiêu, ca nô… cũng được tỉnh chú trọng.
Thực hành kiểm tra mạch người bị đuối nước. |
Mới đây, trong buổi làm việc với các địa phương về tình hình du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cũng yêu cầu các địa phương quan tâm đặc biệt đến đội ngũ cứu hộ, bố trí lực lượng cứu hộ bờ biển đảm bảo yêu cầu kỹ năng, nghiệp vụ, phản ứng nhanh, hiệu quả khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Đồng thời thống kê danh sách, đề xuất UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nếu có cho lực lượng cứu hộ.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Du lịch đã yêu cầu Ban quản lý các KDL huyện, thành phố thống kê toàn bộ danh sách đội ngũ cứu hộ làm việc tại các Ban quản lý các KDL, các DN kèm chuyên môn, nghiệp vụ, đề xuất, kiến nghị.
Sở Du lịch sẽ tập hợp báo cáo UBND tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, bất cập nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn cho khách tắm biển, nâng cao hình ảnh về điểm đến an toàn trong lòng du khách.
Bài, ảnh: KIM VINH