Một năm "thích ứng linh hoạt" của ngành du lịch
Năm 2021 đã khép lại. Với ngành du lịch Việt Nam, đây là năm vô vàn khó khăn bởi đại dịch COVID-19 đã gây tổn thất nặng nề. Thế nhưng, trong bối cảnh chung đó, thay vì “đóng băng nằm chờ”, du lịch BR-VT đã chủ động tìm cơ hội trong thách thức. Nhờ vậy, trong đà suy giảm chung của du lịch cả nước, BR-VT đã “thích ứng linh hoạt” để đạt được những thành quả đáng khích lệ.
Nhân viên khách sạn Hoa Phượng Đỏ phục vụ suất ăn tại phòng cho khách cách ly. (Ảnh chụp tháng 8/2021) |
“Chia lửa” với cơ sở cách ly tập trung
Bước vào tháng đầu năm 2021, du lịch Việt Nam có được đà tăng trưởng tốt “nhờ” dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong nước. Thế nhưng từ tháng 5, dịch COVID-19 bùng phát với biến chủng Delta lây lan nhanh trên thế giới ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch. Buộc phải đóng cửa khách quốc tế. Du lịch nội địa theo đó cũng sụt giảm trầm trọng do thực hiện giãn cách xã hội.
Du lịch BR-VT cũng không ngoại lệ. Từ tháng 6 đến hết tháng 11, toàn bộ hoạt động du lịch đóng băng. DN du lịch rơi vào thế khó, không có doanh thu và buộc phải cắt giảm lao động, giảm lương để tiết giảm chi phí, thậm chí ngưng hoạt động.
Trong hoàn cảnh đó, nhiều khách sạn đã xoay chuyển, đưa cơ sở vào đón khách cách ly tự nguyện có thu phí. Ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, nếu như thời gian đầu chỉ có vài khách sạn đăng ký như: Hoa Phượng Đỏ, Cao Su, Ngọc Hân… thì đến tháng 7 tổng số khách sạn được tỉnh chấp thuận đưa vào làm cơ sở cách ly cho người tự nguyện là 14 cơ sở.
Đến trước khi tỉnh BR-VT thực hiện chủ trương “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại nhịp “bình thường mới”, các khách sạn trên đã phục vụ gần 6.700 lượt khách cách ly tự nguyện. Bên cạnh đó, có 39 khách sạn đăng ký tham gia quy trình an toàn phục vụ chuyên gia, người lao động của các công ty, xí nghiệp thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” trong những ngày toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch.
Du khách đặt phòng tại Khách sạn Romeliess (31-33, Thùy Vân, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu). |
Theo ông Đỗ Phước Trung, sự góp mặt của các khách sạn vào chuỗi cơ sở cách ly đã góp phần “chia lửa” giảm tải cho hệ thống cách ly tập trung nhà nước, tạo sự an tâm ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng dịch vụ chất lượng đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách có thu nhập.
Đại diện một DN xây dựng đang thi công xây lắp tại dự án Hóa dầu Long Sơn chia sẻ, thời điểm tháng 8, 9 toàn tỉnh áp dụng biện pháp hành chính “ai ở đâu ở đó”, nếu không có các khách sạn trên thì DN không biết tìm đâu ra nơi lưu trú an toàn cho công nhân, lao động ở tập trung bảo đảm kiểm soát chặt dịch và sức khỏe cho người lao động.
Chị Phạm Thị Xuân Linh (thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) cũng cho biết, đầu tháng 8, chị là F1. Lúc đó, chị không muốn cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn vì sợ bị lây nhiễm chéo. Tham khảo qua báo chí, chị biết có nhiều khách sạn bán dịch vụ cách ly. Sau khi tìm hiểu giá cả, chị chọn cách ly tại một khách sạn ở Bãi Trước. Chất lượng dịch vụ tốt, nhân viên thân thiện, đặc biệt tuân thủ chặt chẽ quy trình phòng dịch trong phục vụ, nên dù phải ở đến 14 ngày chị cảm thấy thời gian trôi qua nhanh. “Dù đã 4 tháng kể từ ngày tôi hoàn thành cách ly, nhưng nhân viên chăm sóc khách hàng của khách sạn thi thoảng vẫn nhắn tin hỏi thăm, chia sẻ cho nhau những hình ảnh, câu chuyện vui khiến tôi thấy rất vui”, chị Xuân Linh chia sẻ.
Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh năm 2021 đạt 2.905.000 lượt, đạt 24,39% kế hoạch năm, giảm 73,26% so với cùng kỳ. Trong đó, lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 1.005.000 lượt, đạt 34,18% kế hoạch năm, giảm 62,10% so với cùng kỳ. Riêng khách quốc tế lưu trú đạt 60.000 lượt, đạt 30,30% kế hoạch năm, giảm 44,81% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 5.875 tỷ đồng, đạt 44,92% kế hoạch năm, giảm 50,75% so với cùng kỳ. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch đạt 1.600 tỷ đồng, đạt 35,40% kế hoạch năm, giảm 59,02% so với cùng kỳ. |
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Năm 2021 cũng đánh dấu bước đột phá trong chuyển đổi số của ngành du lịch. Trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc để phòng dịch, ngành du lịch đã đẩy mạnh quản lý, quảng bá, bán hàng thông qua kênh trực tuyến.
Cuối tháng 10 vừa qua, Sở Du lịch đã ra mắt sàn thương mại điện tử về du lịch tại địa chỉ: www.dulichbariavungtau.com và www.dulich.baria-vungtau.gov.vn. Đến nay, sàn đã thu hút được 300 DN với 600 sản phẩm, dịch vụ bày bán trực tiếp tại sàn. Với phương thức DN (nhà bán) phát hành phiếu bán hàng giảm giá ưu đãi hấp dẫn với thời hạn sử dụng tương đối dài. Khách hàng (người mua) tận dụng được chương trình này để mua các gói dịch vụ du lịch với giá tốt và để dành sử dụng khi dịch đã qua. Người bán thì có doanh thu và chủ động được kế hoạch kinh doanh.
Sở Du lịch chịu trách nhiệm thẩm định thông tin DN, sản phẩm lên sàn, đảm bảo uy tín và chất lượng cho du khách và người tiêu dùng. Du khách có thể thường xuyên theo dõi để cập nhật những chương trình kích cầu lớn theo từng tháng, từng thời điểm để có những lựa chọn tốt nhất.
Đây là sàn trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho lĩnh vực du lịch của một tỉnh. Sàn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng thương mại điện tử toàn quốc, đặc biệt là cam kết hỗ trợ từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM).
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM đánh giá cao ý tưởng sáng tạo của BR-VT. Ông cho biết đây sẽ là tiên phong cho xu hướng thị trường giai đoạn tới. VECOM cùng các thành viên của mình như Liên minh chuyển đổi số DTS sẽ tích cực hỗ trợ BR-VT trong quá trình phát triển sàn với mong muốn đưa dự án phát triển xa hơn, tiếp cận ra thị trường quốc tế.
Ngày 23/12 vừa qua, UBND tỉnh đã khai mạc Hội chợ Du lịch trực tuyến “Cất cánh du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu 2021” tại giao diện sàn thương mại điện tử trên. Ngay trong ngày khai mạc, nhiều gói dịch vụ theo hình thức mua trước - sử dụng sau với mức ưu đãi lên đến 100% được chào bán. Tham dự và chia sẻ tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch tin tưởng với việc tiên phong đón đầu xu thế chuyển đổi số, BR-VT sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, triển khai tốt các giải pháp phục hồi du lịch theo tinh thần thích ứng an toàn linh hoạt.
Bài, ảnh: NGỌC THÚY