DINH CÔ
Sách Đại Nam nhất thống chí, viết giữa thế kỷ 19, mục Núi, Sông cho biết: “Ngoài mõm núi có ngọn Thần Nữ, tục gọi là mõm Dinh Cô, có một đống vừa cát, vừa đá, trước kia có người con gái chứng 17, 18 tuổi, tử nạn, bị bão đánh giạt tới đây, được người địa phương chôn cất sau đó mộng thấy người con gái tự xưng là Thị Cách đến đây giúp đỡ; người ta cho là thần, lập đền thờ”. Đoạn văn trên đây của các sử gia nhà Nguyễn giới thiệu vắn tắt về Dinh Cô, nằm trên triền đồi, hướng ra biển, trung tâm thị trấn Long Hải.
Lúc đầu Dinh Cô được làm đơn sơ, Năm 1930, Dinh Cô được được xây dựng khá khang trang. Năm 1987, Dinh Cô bị hỏa hoạn, sau đó được xây dựng lại như hiện nay.
Dinh Cô có diện tích trên 1.000m2. Cổng Tam quan vào Dinh Cô nằm dưới chân mũi Thùy Vân, đắp nổi "Long hổ hội", phía trên có "Lưỡng long chầu nguyệt" và song phụng chầu. Lối lên điện Cô là 37 bậc tam cấp.
Chính điện Dinh Cô bài trí 7 bàn thờ. Ngay trung tâm chánh điện là bàn thờ Bà Cô. Nổi bật với bức tượng Bà Cô cao hơn 0,5 mét, mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến lấp lánh, đội mũ gắn ngọc. Phía sau cạnh bàn thờ Bà Cô là bàn thờ Diêu Trì Phật Mẫu, Chúa Cậu (Nhị vị Công tử, tức là Cậu Tài, Cậu Quý), Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Pháp Nương Nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Ông Địa, Thần Tài.
Ngoài chính điện, ngư dân còn lập bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ngọc Nương Nương, Chúa Tiên Nương Nương, Chư vị, Bà Mẹ Sanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và miếu thờ Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ Tát.
Liên quan đến Dinh Cô là Mộ Cô, nằm trên đồi "Cô Sơn", cách Dinh Cô chừng 1km. Mộ Cô là một nơi khang trang đẹp đẽ, thu hút nhiều người đến thăm viếng, chiêm bái, đặc biệt là trong dịp ra lễ hội Nghinh Cô.
Hàng năm, vào các ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch, ngư dân Long Hải mở lễ hội Nghinh Cô. Lễ hội Nghinh Cô là một trong những lễ hội nước lớn nhất ở Nam Bộ. Đây là dịp Dinh Cô thu hút hàng chục ngàn du khách khắp mọi miền đến viếng lễ và tắm biển.