Giếng bậc thang là một công trình kiến trúc cổ độc đáo, một giải pháp cho vấn đề thiếu nước ở Ấn Độ thời xưa. Sau một thời gian dài rơi vào quên lãng do thói quen sử dụng nước dẫn đến tận nhà, Ấn Độ đang khôi phục nhiều giếng bậc thang cổ nhằm cung cấp nước sạch cho người dân tại những vùng bị hạn hán.
Những bức phù điêu tinh xảo được chạm khắc ở giếng Rani Ki Vav vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Ảnh: UNESCO |
Kỳ quan độc đáo
Giếng bậc thang (gọi là baori hay baoli), là cấu trúc phân tầng bằng đá đi sâu xuống lòng đất, dùng để dự trữ nước mưa và giữ nước ngầm, cung cấp nước quanh năm cho người dân ở vùng khí hậu khô cằn của Ấn Độ. Kiến trúc giếng gồm 2 phần với 1 trục thẳng đứng để từ đó nước được hút vào các lối đi, buồng chứa cùng bậc thang nằm nghiêng xung quanh. Công trình được xây dựng dọc theo các sườn dốc để người dân dễ dàng lấy nước ngầm.
Ngoài lối đi là bậc thang dẫn xuống lòng đất để việc lấy nước dễ dàng hơn, chúng thường có hệ thống những mái vòm, cột chạm khắc công phu, những hoa văn, tác phẩm điêu khắc cầu kỳ. Kỳ quan này cũng là kho lưu giữ lịch sử của Ấn Độ, được sử dụng cho những cuộc tụ họp xã hội và nghi lễ tôn giáo. Các buồng chứa và phòng trưng bày thường được trang trí cầu kỳ, trở thành nơi nghỉ dưỡng của người dân vì nhiệt độ ở đây thấp hơn ngoài trời 5-60C.
Giếng bậc thang cổ nhất được tin rằng ra đời từ năm 550 sau Công nguyên còn hầu hết những công trình tương tự tồn tại đến nay được xây dựng từ sau thế kỷ thứ 10. Giếng bậc thang được tìm thấy nhiều ở khu vực khô cằn phía Tây và phía Bắc của Ấn Độ, nơi công cộng ở thành thị cũng như dọc theo các tuyến đường chính, được mở cửa cho cả cộng đồng sử dụng.
Nằm trong số những giếng nước tiêu biểu và nổi tiếng nhất Ấn Độ có thể kể đến Chand baori. Chand baori được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 ở vùng đất khô cằn Rajasthan, phía trên cao 13 tầng, phần dưới mặt đất sâu hơn 30m và có hệ thống 3.500 bậc thang được xếp hình đối xứng hoàn hảo để có thể xuống giếng ở độ sâu 30m. Nước ở dưới đáy có màu xanh lục. 1 ngôi đền chạm trổ ở trung tâm với những đường vòng cung tối tăm, bí ẩn. Hình ảnh những bậc thang huyền thoại này từng xuất hiện trong phim bom tấn “The Dark Knight Rises” (Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy, ra mắt năm 2012).
1 giếng bậc thang nữa nằm bên ngoài TP. Patan (bang Gujarat) cũng được xếp vào thế giới văn hóa nghệ thuật dưới lòng đất của Ấn Độ là Rani Ki Vav (còn gọi là Giếng của nữ hoàng). Giếng Rani Ki Vav với các tác phẩm điêu khắc, chạm trổ tinh vi và nhiều đoạn văn cổ dài bất tận, được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng 6/2014.
Khôi phục “thế giới ngầm”
100 năm trước, có gần 3.000 công trình giếng nước rải rác khắp những vùng khan hiếm nước của Ấn Độ. Tuy nhiên, do mực nước ngầm suy giảm, dân số ngày càng tăng và con người dần hướng đến sử dụng nguồn nước tận nhà như vòi nước hay bồn chứa, những giếng bậc thang dần rơi vào quên lãng. Nhiều giếng cổ còn sót lại cũng bị hư hại thậm chí nhiều khi người dân trong khu vực có giếng cũng không nhận ra sự tồn tại của chúng. Một số giếng được giữ gìn tốt hơn được khai thác trở thành điểm thu hút du khách, những người muốn khám phá công trình kiến trúc độc đáo và sáng tạo của người xưa.
Những năm gần đây Ấn Độ đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt do nước bề mặt ô nhiễm không thể sử dụng. Nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức khiến mực nước ngầm ở nước này giảm rất nhiều trong 1 thập kỷ qua. Unesco nhận định Ấn Độ là quốc gia khai thác nước ngầm nhiều nhất thế giới.
Tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngọt không chỉ đe dọa đến cuộc sống người dân, mà còn gây bất ổn an ninh lương thực. Trước thực tế đó, nhiều khu vực của Ấn Độ đã tiến hành khôi phục các giếng bậc thang, bao gồm Chand baori với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới.
Tại thành phố Jodhpur, giếng bậc thang Toorji đã được khôi phục sau khi một nhóm nghiên cứu dành vài tháng để bơm nước thoát tù đọng. Nhờ đó, hơn 28 triệu lít nước mỗi ngày cung cấp cho thành phố đã được làm sạch lớp cặn trắng. Người dân không còn phải đi bộ hàng giờ để tìm kiếm nước. Thay vào đó, họ có nước sạch để uống, sinh hoạt và dành cho các nghi lễ tôn giáo.
Ngoài ra, những kỳ quan trên còn là một phần lịch sử kiến trúc của Ấn Độ. Đây là những di sản cần được bảo tồn và có thể thu hút khách du lịch. Thực tế những năm qua, những giếng cổ rải rác khắp đất nước Ấn Độ đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách khắp thế giới.
KHÁNH HẰNG
(Tổng hợp)