Venice - từ thành phố cổ thơ mộng

Thứ Sáu, 06/08/2021, 15:55 [GMT+7]
In bài này
.

Venice (tiếng Italia: Veneziae) nổi tiếng thế giới bởi vẻ đẹp lãng mạn của một thành phố cổ kính, độc đáo với nhiều màu sắc và kiến trúc lạ mắt, đứng trầm ngâm in soi bóng nước. Nơi đây được mệnh danh là thành phố của tình yêu, của những bảo tàng, nhà thờ và đặc biệt là những cây cầu đá xinh đẹp vắt qua dòng kênh...

Những cây cầu nối hai bờ của các dòng kênh.
Những cây cầu nối hai bờ của các dòng kênh.

THÀNH PHỐ CỦA KÊNH ĐÀO

Nằm ở phía Đông Bắc Italia, trên một vùng đầm phá nước mặn nằm giữa cửa sông Po (phía nam) và sông Piave (phía bắc), Venice hình thành từ 118 hòn đảo được tạo bởi khoảng 150 kênh đào, các đảo nối với nhau bởi hơn 400 cây cầu lớn nhỏ. Bởi thế mà Venice được mệnh danh là “thành phố của những kênh đào”. Sự hấp dẫn và bí ẩn của từng con ngõ sâu, dài ở Venice cùng vẻ lãng mạn của những cây cầu, con kênh đã thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng thành phố xinh đẹp này.

Kênh Lớn (Grand Canal) là huyết mạch giao thông chính của thành phố. Cây cầu Rialto (Ponte di Rialto) danh tiếng là nơi dừng chân của du khách và các cặp tình nhân muốn lưu giữ những khoảnh khắc này. Cây cầu này nối hai bờ của Kênh Lớn. Đứng trên cầu ngắm nhìn những con thuyền gondola - loại thuyền truyền thống và đặc trưng ở Venice với dáng nhỏ dài, mũi nhọn cong vút được trang trí độc đáo - chở khách du lịch đi len lỏi trên những dòng kênh, dưới cái nắng chiều dát vàng trên mặt nước và những con sóng trắng uốn lượn, một cảnh sắc vô cùng lãng mạn và lộng lẫy...

Khu phố cổ nằm sâu trong các con ngõ hẹp và dài luôn sạch sẽ, tinh tươm với những ô của sổ và những chậu hoa rực rỡ. Mỗi con ngõ là một bí ẩn mà du khách sẽ khó có thể hiểu hết nếu chỉ mới đi qua. Có thể kể đến sự phong phú của những ngôi nhà cổ, các cửa hiệu sát lối đi, cả những cánh cửa sổ lạ lẫm với kiến trúc độc đáo...

Venice có đến 120 nhà thờ kiến trúc kiểu Phục Hưng, hơn 60 tu viện, hơn 100 tháp chuông và 40 cung điện đẹp lung linh. Quảng trường Piazza San Marco nằm ngay trung tâm thành phố. Vương cung thánh đường San Marco được xây bằng đá cẩm thạch mang phong cách La Mã với mái vòm, cửa vòm uốn cong và các cột đứng uy nghi cao vút. Không tiếng còi xe, cũng không thấy bụi bặm... Phương tiện giao thông chính là những chiếc thuyền lướt đi lặng lẽ như thì thầm cùng những cặp tình nhân. Lãng mạn và thơ mộng đến ngỡ ngàng khiến bạn có cảm giác như lạc vào thế giới cổ tích.

Dạo bước trên những viên đá lát vỉa hè ở quảng trường hay lang thang trong những ngõ nhỏ hun hút chật ních khách du lịch qua lại, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ San Giorgio Maggiore từ xa vọng lại, du khách có thể cảm nhận được quá khứ huy hoàng của đô thị cổ được hình thành từ thế kỷ V này.

Sau khi đế chế La Mã suy tàn, những cộng đồng di dân ở miền Đông Bắc Italia chạy trốn khỏi sự xâm lược man rợ của các đế quốc Hung Nô, Lombard… đã lập nên bang Venezia dưới sự quản lý của đế quốc Đông La Mã. Cuối thế kỷ VII, người Venice bầu ra Tổng trấn đầu tiên và nước Cộng hòa Venezia được thành lập, tồn tại đến cuối thế kỷ XVIII. Ban đầu quốc gia này chủ yếu hoạt động thương mại nhiều hơn, đặc biệt phát triển mạnh về buôn bán muối, rồi dần dần thống trị về hàng hải trên biển Địa Trung Hải, nắm giữ con đường giao thương giữa lục địa châu Âu, châu Á và Bắc Phi, đồng thời chinh phạt nhiều lãnh thổ dọc bờ biển Adriatic.

Sau các cuộc Thập tự chinh, Venice trở thành một vùng đất phồn thịnh, tập trung tầng lớp thương nhân giàu có và những nhà hoạt động nghệ thuật tên tuổi. Sau các cuộc chiến tranh với đế quốc Ottoman và sau này là Thổ Nhĩ Kỳ, Venezia bắt đầu suy tàn. Đến cuối thế kỷ XVIII, dưới sự chinh phục của Napoleon Bonaparte, Cộng hòa Venezia sụp đổ và bị chia cắt. Trong thế kỷ XIX, Venice trở thành một phần lãnh thổ của Italia.

Quá khứ huy hoàng của Venice đã để lại một kho tàng di sản khổng lồ, đặc biệt là các công trình kiến trúc cổ. Trong nhiều thế kỷ, Venice được xem là một trung tâm âm nhạc và nghệ thuật của thế giới. Thành phố cũng là nơi sinh ra của nhiều tài danh của nhân loại như: nhà thám hiểm Marco Polo (1254-1324), các nhà soạn nhạc Antonio Vivandi (1678-1741), Benedetto Marcello (1686-1739)...

Nhà cửa mang kiến trúc cổ kính tại Venice.
Nhà cửa mang kiến trúc cổ kính tại Venice.

NỖ LỰC BẢO TỒN

Cổ kính và hiện đại, êm ả mà sôi động, kiêu sa nhưng vẫn mang vẻ bình dị... Venice hấp dẫn tất cả mọi du khách, từ những đôi lứa đang yêu đến những người già. Đó là lý do thành phố chỉ có hơn 270 ngàn dân (tính cả vùng ngoại ô) này thu hút 50 ngàn du khách mỗi ngày, trở thành một biểu tượng của nước Ý và được xếp hạng là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Năm 1987, Venice và hệ thống kênh rạch trong thành phố được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Trải nghiệm tham quan Venice bằng tàu, du thuyền qua những phố nhiều sắc màu dưới ánh nắng vàng lấp lánh hay ráng đỏ của hoàng hôn là “đặc sản” của Venice. Song chính những tác động tiêu cực từ du thuyền, phát triển nóng và quản lý kém là lý do UNESCO xem xét đưa Di sản thế giới Venice vào danh sách “đang bị đe dọa”.

Báo cáo của UNESCO cho rằng, Venice đang phải đối mặt với sự nguy cấp hiện hữu và tiềm tàng, do những mối đe dọa đơn lẻ và các tác động đã tích lũy lâu nay. Một trong những mối đe dọa đó là các du thuyền lớn tiếp tục đi sâu vào “thành phố kênh đào”, dù Chính phủ Ý không chấp nhận việc này.

Chính phủ Ý đã lên kế hoạch cấm những du thuyền trên 40.000 tấn vào sâu trong Venice, cùng với việc đẩy nhanh xây dựng cảng tàu Marghera vào cuối hè 2021. Tuy nhiên trong lúc chờ đợi, các con tàu vẫn tiếp tục xuất hiện trên con kênh Giudecca nổi tiếng. UNESCO đánh giá các lệnh cấm du thuyền lớn đi vào các đầm phá tại Venice không có tác dụng thực tế, vì không có biện pháp thay thế nào để những con tàu cỡ lớn có thể neo đậu. Phải cấm hoàn toàn những con tàu cỡ lớn, bằng việc chuyển hướng tới những cảng phù hợp hơn. Bên cạnh đó, những tác động phức tạp của du lịch đại trà, sự sụt giảm dân số cùng những khiếm khuyết trong quản trị và hợp tác đã dẫn đến mất mát đáng kể tính xác thực của Venice. Những tác động tiêu cực từ can thiệp của con người, kết hợp với biến đổi khí hậu có nguy cơ dẫn đến những thay đổi không thể đảo ngược. Ngoài ra, việc thiếu tầm nhìn tổng thể và hiệu quả quản lý thấp của Venice cũng bị UNESCO cảnh báo.

Nhiều năm nay, các nhà hoạt động bảo vệ thiên nhiên, di sản đã kêu gọi chấm dứt việc cho các tàu du lịch đi lại qua quảng trường St Mark. Họ cho rằng các “khách sạn nổi khổng lồ” này gây ra những con sóng lớn, hủy hoại nền móng của thành phố và ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái mong manh tại đây. 

Ngày 13/7 vừa qua, Chính phủ Ý đã ra sắc lệnh cấm các tàu du lịch lớn vào trung tâm Venice để bảo vệ hệ sinh thái và di sản của vùng đầm phá này. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 1/8, áp dụng đối với các tàu có bất kỳ đặc điểm nào trong 4 đặc điểm sau: Nặng hơn 25.000 tấn, dài hơn 180m, cao hơn 35m hoặc thải ra hơn 0,1% lưu huỳnh.

Với những động thái tích cực đó, ngày 22/7 vừa, UNESCO đã ra hạn chót cho Chính phủ Ý đến tháng 12/2021 phải báo cáo các nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái và di sản của thành phố này.

KHÁNH HẰNG 

(Tổng hợp)

 
;
.