.

TP. Hồ Chí Minh: Du lịch nông nghiệp gặp khó

Cập nhật: 15:38, 24/07/2018 (GMT+7)

Vài năm qua, Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức nhiều chuyến khảo sát các địa điểm sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển thành những điểm du lịch, giúp tăng thu nhập người nông dân. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, nhiều nhà vườn cho biết đang gặp nhiều khó khăn để duy trì. 

Ngành du lịch khảo sát vườn cây kiểng Minh Tân - điểm du lịch nông nghiệp.
Ngành du lịch khảo sát vườn cây kiểng Minh Tân - điểm du lịch nông nghiệp.

TẠM NGƯNG PHỤC VỤ DU LỊCH

Quay lại những địa điểm đã từng đón nhiều đoàn khách tham quan thì nay hình ảnh này không còn, thay vào đó chỉ còn sản xuất. Cụ thể là vườn lan của HTX Hoa lan Huyền Thoại (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi). Địa điểm này được đánh giá có nhiều tiềm năng do thuận đường trong tuyến tham quan địa đạo Củ Chi, thế nhưng nay đã tạm ngưng phục vụ khách du lịch.

Theo bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc HTX Hoa lan Huyền Thoại, sau khi được Sở Du lịch, Sở NN-PTNT TP.HCM đề nghị mở cửa đón khách du lịch, tăng thêm thu nhập, HTX đầu tư nhà nghỉ ngơi, bàn ghế, hạ tầng khuôn viên khang trang đáp ứng nhu cầu đón khách.

Thời điểm đó, giá vé phục vụ 20.000 đồng/người/lượt; du khách được phục vụ nước uống, khăn lạnh, riêng khách tham quan học tập còn được nhận cây lan về chăm sóc và tìm hiểu.

Về nguyên nhân khiến vườn lan tạm ngưng đón khách tham quan, bà Huyền chia sẻ: “Tôi không muốn ngưng hoạt động, nhưng do nhiều người vào tham quan mang theo mầm bệnh khiến cây lan bị lây nhiễm, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Đối với việc hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, đây là nhiệm vụ của HTX nên chúng tôi vẫn duy trì. Nếu muốn đầu tư cho du lịch thì phải xây dựng mô hình dành riêng cho tham quan rộng khoảng 1.000m2, nhằm cách ly với khu sản xuất. Đồng thời, hàng tháng phải thay đổi nhiều loại lan khác nhau để tránh nhàm chán. Những điều này đòi hỏi tiêu tốn nhiều chi phí”.

Một địa điểm khác có tiềm năng nhưng sau nhiều chuyến khảo sát cũng không thể thực hiện do chi phí đầu tư ban đầu quá cao, đó là vườn cây kiểng Minh Tân (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi).

Ông Trịnh Minh Tân, chủ vườn, phân tích cụ thể như phải đầu tư hạ tầng để xe khách chạy vào, nhà vệ sinh, khu nghỉ ngơi, khu ẩm thực và phải thiết kế lại khu vườn theo phong cách du lịch…, ước tính kinh phí vào thời điểm cách đây 2 năm là khoảng 5 tỷ đồng.

Mức đầu tư lớn như vậy nhưng không có công ty du lịch nào cam kết ký hợp đồng đưa khách đến, mà chỉ hứa miệng. Đã vậy, một số công ty tổ chức tour đề nghị đầu tư thêm nhiều cây kiểng để phong phú và đa dạng hơn, một số cho rằng khu vườn có lộ trình không phù hợp trong quá trình đi tham quan địa đạo Củ Chi…

Còn Khu du lịch sinh thái cá koi Hải Thanh (xã Trung An, huyện Củ Chi) - một địa điểm thu hút khách du lịch tham quan khá đông - cũng đã tạm ngưng phục vụ khách từ sau tháng 2-2018, do đang tìm nguồn vốn bổ sung.

Theo một công ty du lịch có trụ sở tại TPHCM, du lịch nông nghiệp đang là xu hướng ở nhiều địa phương cũng như nhiều nước phát triển trên thế giới. Điển hình là tỉnh Lâm Đồng, thực hiện khá tốt hình thức du lịch nông nghiệp.

Đối với TP.HCM, du lịch nông nghiệp chỉ là một phần kết hợp sau khi tham quan địa đạo Củ Chi, nhưng điều đáng nói hơn, những điểm khảo sát sản phẩm chưa đa dạng, chỉ có vườn lan, cây kiểng, bonsai, và quan trọng không kết nối được các tuyến với nhau do khoảng cách địa lý bị ngược đường, làm mất khá nhiều thời gian di chuyển.

Đồng thời, những nhà vườn không đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nên khó dẫn khách vào tham quan. TPHCM không chỉ có nhiều địa điểm mà còn phong phú về các loại hình du lịch như chăn nuôi bò sữa, trồng dưa lưới, nuôi cá cảnh… nhưng điểm yếu là chưa thể kết nối được với nhau.

THIẾU VỐN, THIẾU CẢ HẠ TẦNG

Sở Du lịch TP.HCM cho biết, những năm qua đã mở nhiều chuyến khảo sát thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp. Sở còn tổ chức hội thảo, có nhiều chuyên gia và nhà vườn đóng góp ý kiến, mở lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho nông dân, tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ nhiều đơn vị và ký kết với Khu Nông nghiệp công nghệ cao (AHTP) để phát triển du lịch nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo AHTP, các mô hình của AHTP chỉ phù hợp cho những khách học tập, trong khi du khách tham quan thì thường chỉ thích trải nghiệm thực tế hoặc du lịch sinh thái. Ngoài ra, các công ty du lịch đòi hỏi phải có khu ẩm thực, nhưng kinh phí đầu tư lớn mà lỡ không có khách thì sẽ lãng phí. Đó là chưa nói đến nghịch lý: các công ty du lịch yêu cầu điểm du lịch cần có chất lượng cao nhưng giá dịch vụ thì phải thấp!

Theo Sở Du lịch TP.HCM, du lịch nông nghiệp vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc; công tác kết nối giữa các DN lữ hành với các chủ nhà vườn, làng nghề mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Cụ thể, một số nhà vườn gặp khó khăn khi xin phép xây dựng thêm các công trình phụ trợ phục vụ du khách (như đường vào, nhà vệ sinh, nhà nghỉ chân, điểm phục vụ ăn uống, mua sắm) do vướng quy định của Luật Xây dựng, không cho phép xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp.

Kiến thức chuyên môn về du lịch cộng đồng, phục vụ du khách của các chủ sở hữu, nhân viên các nhà vườn, điểm nuôi trồng thủy hải sản… còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của một điểm đến du lịch.

Vì vậy, mới đây Sở NN-PTNT TP.HCM đã trình UBND TP.HCM đề án khuyến khích người dân làm du lịch, trong đó có chính sách hỗ trợ vay vốn và tháo gỡ những vướng mắc nói trên.

Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM nhận định, khó khăn chủ yếu trong du lịch nông nghiệp là lộ trình tham quan không phù hợp. Ngoài ra, các công ty tổ chức tour luôn đòi hỏi sản phẩm phải thay đổi liên tục, nên rất khó cho nhà vườn. Nhưng điều quan trọng hơn hết là công ty phải cam kết có du khách thường xuyên, chứ nếu đầu tư kinh phí lớn mà khách không tới thì sẽ bị thua lỗ.

THANH HẢI
(Theo sggp.org.vn)

.
.
.