.

Miễn thị thực, ngành du lịch hưởng lợi

Cập nhật: 09:55, 06/07/2018 (GMT+7)

Từ ngày 1-7, Việt Nam tiếp tục gia hạn miễn thị thực cho công dân 5 nước: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy khi nhập cảnh. Thời hạn tạm trú không quá 15 ngày, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Chính sách thị thực thông thoáng sẽ giúp du lịch Việt Nam tăng thêm lượng khách và doanh thu. Trong ảnh: Du khách nước ngoài mua hàng lưu niệm tại KDL suối nước nóng Sài Gòn-Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: ĐỨC NGUYÊN
Chính sách thị thực thông thoáng sẽ giúp du lịch Việt Nam tăng thêm lượng khách và doanh thu.
Trong ảnh: Du khách nước ngoài mua hàng lưu niệm tại KDL suối nước nóng Sài Gòn-Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: ĐỨC NGUYÊN

NHIỀU KẾT QUẢ ĐÁNG MỪNG

Các chuyên gia du lịch cho rằng, việc miễn thị thực nhập cảnh đối với những thị trường trọng điểm có lượng khách lưu trú dài ngày với mức chi tiêu cao là một trong những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu nguồn khách, tránh nguy cơ phát triển du lịch đại trà với nhiều hệ lụy. Theo nghiên cứu của Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB), tác động của việc miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu đến Việt Nam nói trên trong những năm qua đã làm tăng mạnh số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, cao hơn cả mức tăng chung ở các nước ASEAN khác khi áp dụng miễn thị thực.  

Cụ thể, năm 2016 tổng lượng khách từ 5 quốc gia Tây Âu đến Việt Nam đạt gần 781.000 lượt, tăng khoảng 124.000 lượt, tương ứng tăng 19% so với năm trước đó. Trung bình mỗi khách chi tiêu ở Việt Nam trên 1.300 USD thì tổng số tiền thu được từ số khách tăng thêm là trên 160 triệu USD. Trong khi số tiền giảm thu từ phí visa của tổng số 781.000 khách này là chưa đến 20 triệu USD. Điều đó có nghĩa, nguồn thu tăng thêm từ việc miễn thị thực cao hơn so với việc giảm thu phí visa 25 USD/khách.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, chính sách thông thoáng về visa, việc quảng bá tốt du lịch đã góp phần giúp Việt Nam liên tục giữ được mức tăng trưởng khách quốc tế đạt xấp xỉ 30% mấy năm qua. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, không chỉ liên quan tới việc nâng thời hạn miễn cấp thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu, việc cải thiện các chính sách khác về cấp visa đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. “Chúng ta không để cho khách quốc tế phải đến gặp trực tiếp các cơ quan ở nước ngoài, ở cửa khẩu. Khách nước ngoài dù ở bất cứ nơi nào cũng có thể đăng ký cấp visa điện tử. Sự cải cách này nhằm đem lại sự thuận tiện cho khách du lịch, giúp chúng ta có lượng khách rất tốt”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm.

NỀN KINH TẾ HƯỞNG LỢI 

TAB cho rằng, chương trình miễn thị thực du lịch không phải là không “có đi có lại”. Điều này đặc biệt đúng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines đều miễn thị thực cho hơn 150 nước, dù không phải tất cả các quốc gia đó đều miễn thị thực song phương. Do đó, Việt Nam có thể được hưởng lợi đáng kể từ việc mở rộng diện miễn thị thực cho công dân các nước phương Tây như Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Hà Lan và Bỉ. Việc tạo thuận lợi trong việc cấp thị thực sẽ tăng số lượng khách đến khoảng 8-10%, giúp doanh thu trực tiếp tăng thêm 100 triệu USD - cao hơn rất nhiều so với số tiền phí thị thực thất thu là 17 triệu USD. 

Việc miễn thị thực giúp thúc đẩy tăng trưởng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, làm tăng giá trị xuất khẩu qua du lịch. Hiệu ứng lan tỏa từ du lịch tới dịch vụ đã đóng góp 3,2% trong tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, chính sách miễn thị thực tại các nước ASEAN đã làm tăng thêm 1,6%-3,1% số việc làm trực tiếp cho ngành du lịch và các ngành khác đều hưởng lợi. 

Tổ chức Du lịch Thế giới tính toán rằng, tại Việt Nam nếu tăng thêm 5 khách du lịch quốc tế sẽ tác động lan tỏa, tăng thêm 25-30 khách du lịch nội địa, tạo ra thêm 1 việc làm trực tiếp. Không chỉ vậy, việc miễn thị thực cho các quốc gia phát triển sẽ khiến các doanh nhân từ những nước này có thể tiếp cận được thị trường Việt Nam thông qua con đường du lịch, qua đó làm tăng cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Theo TAB, khi tất cả các quốc gia trong khu vực ASEAN đều mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các quốc gia có nhu cầu du lịch lớn, có mức chi tiêu cao đến du lịch thì cánh cửa thị thực càng đóng hoặc chưa đủ rộng sẽ càng ảnh hưởng trực tiếp đến sức hấp dẫn. Mặt khác, hộ chiếu của các quốc gia được đề xuất miễn thị thực đều có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng toàn cầu. Vì vậy, việc tăng thêm thời gian miễn thị thực (hiện nay là 15 ngày) sẽ giúp các DN lữ hành có thể xây dựng những sản phẩm tour du lịch dài ngày, cũng như tăng mức chi tiêu bình quân của khách du lịch tại Việt Nam.

Cải thiện chính sách miễn thị thực cùng với thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu, thị thực quá cảnh và không thay thế chính sách miễn thị thực với các hình thức khác… chính là nhằm “tạo thuận lợi tối đa và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam” như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã ban hành.

THANH HÀ
(Tổng hợp)

.
.
.