.

Xây dựng văn hóa kinh doanh du lịch: Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi

Cập nhật: 07:24, 15/06/2018 (GMT+7)

Không chỉ là những lời hô hào, khẩu hiệu suông, ngày càng có nhiều hành động đẹp, thiết thực do khối DN du lịch, nhân dân và chính quyền thực hiện nhằm xây dựng văn hóa trong kinh doanh và thương hiệu du lịch BR-VT.

“NÓI PHẢI CỦ CẢI CŨNG NGHE”

Một nhóm du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh lưu trú tại biệt thự 11E, Lạc Long Quân, phường 2, TP.Vũng Tàu.
Một nhóm du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh lưu trú tại biệt thự 11E, Lạc Long Quân, phường 2, TP.Vũng Tàu.

“Khuya rồi, các anh chị vui lòng mở nhạc nhỏ, hạn chế gây ồn ào. Các anh chị chịu khó trông chừng mấy đứa nhỏ giùm em, đừng cho các cháu ra khu vực hồ bơi nhé. Rác thải xin để gọn vào thùng rác, mai em dọn sớm. Mọi người cần hỗ trợ gì cứ gọi cho em theo số điện thoại 0946… Chúc cả nhà có một buổi tối vui, thoải mái”. Giọng điệu nhẹ nhàng, dễ nghe và nụ cười tươi của chị Nguyễn Thị Anh - quản lý biệt thự 11E, Lạc Long Quân (phường 2, TP.Vũng Tàu) khiến các vị khách lưu trú tại đây đang hát karaoke ầm ĩ vào tối 12-6 cũng vui vẻ vặn nhỏ âm thanh, rồi tắt hẳn khi bài hát kết thúc. Anh Lê Quốc Thái (cư xá Thanh Đa, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh), một thành viên trong nhóm cho biết: “Tuân thủ chuẩn mực chung là việc ai cũng phải chấp hành dù ở nhà hay đi du lịch. Hơn nữa, mình là khách du lịch, việc giữ trật tự, không làm phiền người khác vừa là cách ứng xử văn minh, đồng thời thể hiện sự tôn trọng với cư dân địa phương”.  

Quản lý biệt thự 11E, Lạc Long Quân hơn 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Anh cho biết, việc nhắc khách lưu trú giữ trật tự, bớt tiếng ồn là công việc hàng ngày của chị. Ngày nào biệt thự có khách thuê là tầm gần 22 giờ, chị lại đảo qua vừa để kiểm tra, đồng thời kịp thời nhắc khách giữ trật tự, vệ sinh chung vì biệt thực nằm trong khu dân cư. Ban đầu nhiều nhóm khách tỏ thái độ khó chịu, cự cãi, nhưng thấy chị ăn nói nhẹ nhàng, lại hợp tình hợp lý nên dần dần họ hợp tác vui vẻ. Hàng xóm láng giềng cũng bớt tiếng than phiền về tình trạng khách gây ồn ào, xả rác bừa bãi hay đậu xe chiếm lối đi. “Nhiều nhóm khách đã trở lại thuê biệt thự của chúng tôi mỗi khi đến Vũng Tàu hoặc giới thiệu cho bạn bè. Mình làm kinh doanh, phải có ý thức trách nhiệm với cộng đồng dân cư, góp phần cùng xây dựng văn hóa, thương hiệu du lịch cho địa phương”, chị Anh nói.

Xây dựng văn hóa trong kinh doanh là mục tiêu mà chính quyền và cộng đồng DN du lịch BR-VT đã và đang hướng đến. Mỗi đơn vị có cách làm khác nhau nhưng có điểm chung là làm sao cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Đó không chỉ là nụ cười thân thiện từ anh bảo vệ, cô lễ tân, chị tạp vụ đến ông giám đốc mà còn được thể hiện ở việc duy trì chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giá cả bình ổn. Chẳng hạn, khách sạn Green bán buffet sáng và trưa với giá ổn định suốt năm (79 ngàn đồng/suất ăn sáng và trưa là 135 ngàn đồng/suất). KDL Biển Đông và KDL Gió Biển thì không chi hoa hồng cho tài xế. Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort có nhiều chính sách tốt cho khách cao niên. KDL Hồ Mây giảm 10% giá vé cho người địa phương. Khách sạn Malibu bình xét và tuyên dương nhân viên có nụ cười đẹp khi đón tiếp khách hàng tháng... 

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, văn hóa du lịch được hiện thực hóa bằng việc làm lành mạnh môi trường du lịch. Bên cạnh phát động chiến dịch làm sạch bãi biển, cấm buôn bán, tụ tập ăn nhậu trên bãi tắm, nơi công cộng, BR-VT còn tuyên truyền, vận động người dân ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng; thân thiện, tận tình, niềm nở, chu đáo khi phục vụ khách; không lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính... Song song đó, việc bảo vệ quyền lợi của du khách được quan tâm hàng đầu. Các địa phương trong tỉnh đều công khai số điện thoại đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh, xử lý ngay và thông tin phản hồi kết quả xử lý cho du khách.

Bà Nguyễn Thu Thủy (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: “Trước đây, do nghi ngại về môi trường du lịch nên gia đình tôi rất ít khi đến BR-VT mà thường đi Phan Thiết hoặc Đà Lạt. Hơn 1 năm nay, sự đổi thay tích cực về vệ sinh môi trường, cảnh quan, tình trạng kinh doanh gian dối, lừa gạt du khách cũng không còn, được giới truyền thông khen ngợi khiến gia đình tôi yên tâm chuyển hướng về BR-VT”.

CỘNG ĐỒNG CÙNG ỨNG XỬ VĂN MINH

Nhân viên Trung tâm hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu tiếp nhận thông tin từ du khách về việc trẻ em đi lạc. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Nhân viên Trung tâm hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu tiếp nhận thông tin từ du khách về việc trẻ em đi lạc. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Có thể nói hiện nay, cả cộng đồng cùng tham gia vào chuỗi phục vụ khách du lịch (lưu trú, ăn uống, vận chuyển, mua sắm, lữ hành…). Do vậy, để xây dựng văn hóa du lịch, thương hiệu du lịch BR-VT, chấm dứt các hành vi không đẹp rất cần sự chung tay của cộng đồng, DN và vai trò chủ đạo, quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng hành vi, thái độ ứng xử của cá nhân, tổ chức khi tham gia các hoạt động du lịch.

Vai trò đó được cụ thể hóa bằng việc ngày 5-6, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ VHTTDL ban hành vào tháng 3-2017 trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, việc thực hiện Bộ Quy tắc này phải kết hợp nhiều hình thức, từ tuyên truyền, vận động, tọa đàm, lồng ghép trong chương trình giảng dạy của các trường học kết hợp phát động ký cam kết thi đua đến bình chọn cá nhân, tổ chức thực hiện văn minh du lịch, đồng thời, phê phán, bêu tên tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch địa phương. Thành phần tham gia rất rộng, bao gồm tổ dân cư, khu phố, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể tại địa phương, trong đó tập trung vào các địa bàn trọng điểm về du lịch vận động nhân dân cùng thực hiện các chuẩn mực trong Bộ Quy tắc. “Kế hoạch cũng phân công trách nhiện cho từng sở, ngành, địa phương triển khai nội dung Bộ Quy tắc trong lĩnh vực quản lý nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tất cả các đối tượng tham gia các hoạt động du lịch, nâng tính chuyên nghiệp cho người làm du lịch địa phương”, ông Trịnh Hàng nói.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch gồm 2 chương, 13 điều, hướng dẫn hành vi ứng xử chuẩn mực cho các nhóm cung cấp dịch vụ du lịch, khách sạn, vận chuyển, bán hàng, điểm ăn uống, tham quan, gồm: Niêm yết công khai và bán đúng giá dịch vụ; tư vấn trung thực, đầy đủ về sản phẩm; không lợi dụng thời điểm đông khách để nâng giá, ép giá; không chèo kéo khách; không bán hàng kém chất lượng; không phân biệt, đối xử với khách du lịch...

Bộ Quy tắc cũng hướng dẫn ứng xử đối với dân cư như: Lịch sự, nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện với khách du lịch; nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách; ưu tiên, nhường đường cho khách du lịch; giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giải quyết sự cố đối với khách du lịch; không tranh giành, gây gổ với khách du lịch; không chèo kéo, đeo bám khách du lịch; không nói lời thô tục, thiếu văn hóa, hành động khiếm nhã với khách du lịch…

 

.
.
.