.

Du lịch vùng Đông Nam bộ: Cần giải bài toán liên kết vùng để thu hút khách quốc tế

Cập nhật: 22:32, 08/12/2017 (GMT+7)
Du khách nước ngoài chơi vận động tại Bãi Sau (TP. Vũng Tàu).
Du khách nước ngoài chơi vận động tại Bãi Sau (TP. Vũng Tàu).

Tại Hội thảo “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đông Nam bộ” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tổ chức tại KDL Sài Gòn-Bình Châu ngày 30-11, đại diện các Sở VHTTDL, Sở Du lịch, nhà nghiên cứu du lịch, các DN du lịch và lữ hành trong khu vực đều trăn trở với bài toán liên kết vùng để tăng sức hút đối với khách quốc tế, phát triển thương hiệu chung cho cả vùng. 

Vùng Đông Nam bộ hội tụ tài nguyên du lịch đa dạng với hệ thống rừng, biển, sông, hồ phong phú, nhiều làng nghề truyền thống. Đặc biệt, trong vùng có các di tích nổi tiếng thế giới: Nhà tù Côn Đảo, Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, Rừng Sác-Cần Giờ... đủ sức tạo nên một vòng tour hấp dẫn du khách quốc tế. Chưa kể, vùng Đông Nam bộ có khí hậu ôn hòa, giao thông, kết nối các điểm đến thuận lợi. Tuy nhiên, theo ý kiến các đại biểu dự hội nghị, ngoại trừ TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh thành còn lại chưa tận dụng tối đa lợi thế để thu hút khách quốc tế. Lượng khách đến các tỉnh, thành chủ yếu là khách nội địa, thời gian nghỉ ngắn, tập trung vào cuối tuần và các ngày lễ, Tết. Các ý kiến nêu ra tại hội thảo đều khẳng định, du lịch vùng Đông Nam bộ chưa có sự kết nối giữa các sản phẩm đặc thù của từng địa phương, dẫn đến chưa tạo được chuỗi tham quan, giữ chân du khách dài ngày. Hầu hết ý kiến đều đề xuất, cần phải có “nhạc trưởng” kết nối các tỉnh thành về sản phẩm, quảng bá, tiếp thị thì mới phát triển mạnh du lịch vùng.

Nêu ý tưởng về “nhạc trưởng”, theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh thái-Văn hóa-Lịch sử chiến khu D (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai), xét về vị trí địa lý, lịch sử và tốc độ phát triển, TP.Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao thông chính. Khách quốc tế đến phía Nam đều phải qua TP.Hồ Chí Minh, trong khi các tỉnh, thành trong khu vực lại đang mong muốn thu hút thêm nhiều khách quốc tế. “Do đó TP.Hồ Chí Minh phù hợp với vai trò “nhạc trưởng” gắn kết, điều phối du lịch vùng nhất. Tuy nhiên, để gắn kết được các tỉnh, thành và chọn “nhạc trưởng điều phối vùng, trước hết các Hiệp hội Du lịch của các tỉnh, thành cũng phải chủ động phát huy vai trò kết nối trước”, ông Hà nói. 

Ông Ngô Bá Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Sài Gòn-Bình Châu cho rằng, điểm lại 8 tỉnh, thành Đông Nam bộ theo Quy hoạch phát triển vùng của Chính phủ (TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang), mỗi tỉnh đều có một sản phẩm du lịch chủ đạo xuất phát từ đặc thù vị trí địa lý, địa hình. Nếu khai thác theo chuỗi để thu hút khách quốc tế, các sản phẩm của các tỉnh, thành sẽ bổ sung cho nhau mà không tạo nên áp lực cạnh tranh. Để tăng sức hút đối với khách quốc tế, đề nghị Tổng cục Du lịch hỗ trợ về liên kết và quảng bá theo các chương trình xúc tiến du lịch ở nước ngoài của Tổng cục Du lịch cho vùng Đông Nam bộ.

Bên cạnh đó, các ý kiến nêu ra tại hội thảo cũng đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng trong thu hút chiến lược vào lĩnh vực du lịch; khuyến khích cộng đồng cùng tham gia làm du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng và phù hợp, hài hòa với bản sắc văn hóa của mỗi địa phương trong vùng… 

Theo TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, trên cơ sở những ý kiến nêu lên tại hội thảo, thời gian tới, Viện sẽ đề xuất với Tổng cục Du lịch giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng và xác định vai trò “nhạc trưởng” cho du lịch vùng Đông Nam bộ. Thời gian tới, Viện sẽ lựa chọn các bộ sản phẩm du lịch của vùng Đông Nam bộ để in tài liệu nhằm tăng cường quảng bá vùng Đông Nam bộ trong các chương trình quảng bá quốc tế của Tổng cục Du lịch.

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định nêu rõ, tập trung phát triển mạnh các khu du lịch quốc gia là Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), Long Hải - Phước Hải, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Núi Bà Đen (Tây Ninh), Xứ sở hạnh phúc (Long An), Cù lao Thới Sơn (Tiền Giang); phát triển 6 điểm du lịch quốc gia là Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), Cát Tiên, Hồ Trị An - Mã Đà (Đồng Nai), Tà Thiết (Bình Phước), Trung ương Cục Miền Nam (Tây Ninh), Láng Sen (Long An) và từng bước hình thành đô thị du lịch Vũng Tàu.


Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2017, tổng lượng khách đến khu vực Đông Nam bộ sẽ vào khoảng 40 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm hơn 75%. 

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

.
.
.