.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cứu hộ bờ biển: Vì sự an toàn của du khách

Cập nhật: 08:21, 01/12/2017 (GMT+7)
Ông David Field (người nằm) hướng dẫn thao tác kéo người bị đuối nước vào bờ.
Ông David Field (người nằm) hướng dẫn thao tác kéo người bị đuối nước vào bờ.

BR-VT có đường bờ biển dài, các hoạt động du lịch chủ yếu gắn với bãi biển. Từ rất sớm, tỉnh BR-VT đã quan tâm công tác bảo đảm an toàn cho khách tắm biển. Đội ngũ làm công tác cứu hộ bờ biển cũng thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cứu đuối.

HỌC CỨU HỘ VỚI CHUYÊN GIA ÚC 

Sáng thứ Ba (28-11), gần 40 nam thanh niên đang làm công tác cấp cứu thủy nạn tại Ban quản lý các KDL các địa phương tham dự lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cứu hộ tại KDL Vũng Tàu Intourco (TP.Vũng Tàu). Tình nguyện viên David Field thuộc Hiệp hội cứu hộ Úc (Surf Lifesaving Australia) đứng lớp huấn luyện trực tiếp. Sau phần giới thiệu ngắn gọn, buổi huấn luyện bắt đầu với bài chạy bộ khởi động cự ly 200m trên biển và chạy tiếp sức. Dù khác biệt ngôn ngữ nhưng sự hòa đồng và khả năng bắt chước những từ đơn giản trong tiếng Việt như “chạy”, “nhanh nhanh”, “nhanh lên” của TNV David Field khiến không khí buổi tập vui vẻ.

Sau màn khởi động, David Field bắt đầu hướng dẫn bài tập ứng dụng cứu vớt người đuối nước như: Dấu hiệu nhận biết người bị đuối nước từ xa, cách bơi tiếp cận nạn nhân, mang vác vào bờ, chăm sóc, sơ cứu, kỹ thuật cứu hộ trên sóng biển và trên hồ bơi, kỹ thuật hồi sinh tim - phổi, kỹ thuật truyền oxy trong các tình huống khẩn cấp.

Anh Nguyễn Văn Thọ, cứu hộ viên thuộc Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu chia sẻ, cũng là những bài học nghiệp vụ về cứu người đuối nước, nhưng sự diễn giải cặn kẽ của chuyên gia Úc đã giúp các cứu hộ vừa ôn luyện những kiến thức, thao tác từng làm, đồng thời trang bị thêm một số kiến thức mới đã được quốc tế hóa mà lâu nay đội ngũ cứu hộ chưa biết. Chẳng hạn, các ký hiệu quốc tế trong cứu hộ như: Vẫy tay liên tục nghĩa là nguy cấp cần cứu giúp, hai tay giơ lên cao là an toàn, hai tay dang ngang là dừng lại… “Bãi Sau có nhiều khách nước ngoài tắm biển. Việc học được những ký hiệu trên giúp tôi biết để ứng dụng trong trường hợp cứu vớt người nước ngoài”, anh Thọ cho biết.

Còn anh Nguyễn Ngọc Điệp, cứu hộ viên thuộc Ban quản lý các KDL huyện Đất Đỏ cho rằng, lâu nay anh chỉ được học cách một mình mang vác, xốc nước cho người bị đuối nước. Tại lớp học này, chuyên gia Úc còn hướng dẫn thêm bài tập phối hợp trong cứu đuối, diễn giải về cơ chế hoạt động của cơ thể người, cách giảm tối đa những chấn động tiêu cực cho nạn nhân cùng các kiến thức chuyên môn như kỹ thuật xử lý chấn thương cột sống… “Chuyên gia Úc còn truyền lửa tận tâm, lòng tự hào với sứ mệnh nhân đạo cứu người để chúng tôi thêm tự hào và thêm yêu công việc của mình”, anh Điệp chia sẻ.

Ông David Fieid (bìa phải) thuộc Hiệp hội cứu hộ Úc hướng dẫn kỹ thuật xốc người bị đuối nước cho các cứu hộ viên tỉnh BR-VT.
Ông David Fieid (bìa phải) thuộc Hiệp hội cứu hộ Úc hướng dẫn kỹ thuật xốc người bị đuối nước cho các cứu hộ viên tỉnh BR-VT.

VÌ SỰ AN TOÀN CỦA DU KHÁCH

Năm 1988, BR-VT là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập đội cứu hộ bờ biển. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là tuần tra, ứng trực trên bãi biển để nhắc nhở, cảnh báo du khách tránh xa các khu vực nguy hiểm; cứu người tắm biển gặp sự cố trôi phao, lật phao, đuối nước.

Tuy nhiên, nước ta chưa có trường lớp đào tạo nghề cứu hộ bờ biển mà chủ yếu người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau. Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu chia sẻ, việc xây dựng đội ngũ cứu hộ giỏi nghiệp vụ, yêu nghề không chỉ góp phần hạn chế rủi ro, tai nạn cho người tắm biển mà còn xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn cho du lịch địa phương. Vì vậy, Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu thường tranh thủ các khóa đào tạo nghiệp vụ cứu hộ do các tổ chức phi chính phủ mở để cử nhân viên đi học. Sau đó, kết hợp kinh nghiệm thực tế công việc, Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu tự biên soạn tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ cấp cứu thủy nạn. Bộ tài liệu có các nội dung cơ bản: Đặc điểm dòng chảy, địa hình của vùng biển BR-VT, các biển cảnh báo tắm biển, nhắc nhở du khách; các kiểu bơi, cách tiếp cận và kéo người bị đuối nước; các kiểu vác xốc nước; phương tiện cứu hộ và phương pháp ứng phó khi bị nạn nhân hoảng sợ ôm chặt, có kèm hình ảnh minh họa để người học quan sát.

Hàng năm, tỉnh BR-VT đều mở các khóa huấn luyện cứu hộ ngắn ngày và giao cho Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu đảm nhận việc huấn luyện, giảng dạy. Năm 2017, Sở Du lịch đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp cứu thủy nạn trên toàn tỉnh cho gần 130 người. Nhờ vậy, năng lực cứu đuối tăng dần, giúp du khách tắm biển yên tâm hơn. Chị Nguyễn Bích Ngọc (72/17, Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh), tắm biển tại KDL Biển Đông, TP.Vũng Tàu nhận xét: “Đội ngũ cứu hộ túc trực thường xuyên trên bãi tắm, liên tục thổi còi nhắc nhở khách không tắm ở vùng biển có dòng chảy mạnh hay ao xoáy, khiến tôi rất yên tâm khi tắm biển”.

Một lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, ngoài việc thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng cấp cứu thủy nạn, việc trang bị phương tiện phục vụ cứu hộ như: phao, cờ hiệu, cọc tiêu, ca nô… cũng được Sở chú trọng. Sở Du lịch đã làm việc với Hiệp hội cứu hộ Úc đề nghị tài trợ phương tiện cứu hộ. Họ hứa sẽ phúc đáp trong thời gian sớm nhất. Song song đó, Sở Du lịch cũng đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương các địa phương mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ bờ biển. “Những việc làm trên của ngành du lịch, của Ban quản lý các KDL các địa phương nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn cho khách tắm biển, đồng thời nâng cao hình ảnh về điểm đến an toàn trong lòng du khách”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA  

.
.
.