Fernando de Noronha - “thiên đường” ngoài khơi Brazil
Nằm tách biệt 354km ngoài khơi bờ biển đông bắc lục địa Brazil và trên đường đi từ Nam Mỹ sang châu Phi, Fernando de Noronha là một quần đảo rộng 26km2, bao gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2001.
![]() |
Nossa Senhora - một trong những pháo đài được xây dựng từ năm 1737 còn sót lại trên đảo Fernando de Noronha. |
Đây là một quần đảo du lịch với nhiều bãi biển xinh đẹp, cát trắng mịn, nước biển xanh trong với nhiệt độ thường xuyên là 240C, dưới biển có hàng đàn cá bơi lội, trên bờ có nhiều đầm lớn mà du khách có thể đi lẫn vào giữa đám rùa, nai và cá nhồng. Đặc biệt, nước biển ở Fernando de Noronha mang màu xanh ngọc bích, trong đến nỗi dưới độ sâu 50m du khách vẫn có thể nhìn thấy rõ mọi sinh vật.
Được đặt tên theo một nhà quý tộc người Bồ Đào Nha ở thế kỷ XVI, Fernando de Noronha vừa là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới, vừa giữ được trọn vẹn với tư cách là công viên hàng hải quốc gia của Brazil mà chỉ số ô nhiễm đo được là 0. Rùa biển, cá heo, chim hải âu lớn và nhiều chủng loài khác rất phổ biến khiến cho Fernando de Noronha không chỉ là thiên đường nghỉ dưỡng mà còn là nhà của các loài sinh vật. Những người thực hiện dự án bảo tồn rùa khẳng định, mỗi năm có hàng ngàn con rùa từ Lybéria vượt 2.600km đến Fernando de Noronha để đẻ trứng, bên cạnh đó có “đội quân” 40 loài chim, cá voi, bò sát, 18 loại san hô. Quả là một hệ sinh thái biển vô cùng đa dạng.
Năm 1988, Công viên Fernando de Noronha được thành lập để bảo vệ hệ thống sinh thái ở đây. Với những con số gần như bất di bất dịch: Số du khách bị khống chế ở mức 460-700 người/ngày trong mùa cao điểm, 17 tàu được phép đi lại trong công viên, ba tổ chức thợ lặn hướng dẫn du khách ngắm các bãi san hô; cùng 430 xe hơi, 90 nhà khách, 35 ngư phủ và 3.500 dân cư. Trên đảo hoàn toàn không có internet. Nếu để dân số và lượng du khách đến Fernando de Noronha vượt quá con số nói trên, thế cân bằng về môi trường sinh thái sẽ bị phá vỡ, có thể dẫn đến hiểm họa khôn lường cho đảo. Để kiểm soát được dòng người lưu trú ở đây, Brazil đã dùng đến luật: Du khách phải trả thêm một khoản phụ phí bảo vệ môi trường cho ban quản lý ở đây và số tiền này tỉ lệ thuận với thời gian mà du khách muốn ở lại trên đảo. Còn những người Brazil từ đất liền ra đây làm việc cứ 3 tháng phải gia hạn visa một lần, Eduardo Paes cho biết.
Một biện pháp nữa nhằm bảo vệ môi trường ở đây là các hình thức phạt vạ “các tội ác đối với thiên nhiên”. Tiền phạt có thể lên đến 3.000USD, nếu tái phạm có thể bị… tù.
Do khoảng cách khá lớn với đất liền, giá cả đắt đỏ lại thêm những khoản phí, tiền phạt khá lớn nên hầu như Fernando de Noronha chỉ là điểm đến của các du khách có thu nhập cao. Chính vì thế, hòn đảo lại càng trở nên bí ẩn, độc đáo và huyền bí của mình đối với những người chưa có dịp ghé thăm.
Fernando de Noronha không cần đến những môn trượt nước và nhảy dù ca nô, bởi du khách đến đây đều là những người thích sống trọn vẹn với thiên nhiên. Họ thích nhảy disco dưới ánh trăng trên ngọn đồi Cachorro cho tới khi khát nước. Những người điều hành công viên Fernando de Noronha cho biết, triết lý về hòn đảo này được gom lại trong ba câu: Ở đây cái tạm thời là cái bất biến, cái tương đối thì tuyệt đối và cái bất thường ngày nào cũng diễn ra.
Bài, ảnh: VIỆT BẮC