Hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số (CĐS) của ngành TN-MT đã đưa vào ứng dụng thực tiễn, không chỉ giúp cơ quan chức năng thuận tiện trong việc quản lý mà còn tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận các vấn đề liên quan đến lĩnh vực TN-MT.
Ngành TN-MT đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm CNTT Sở TN-MT xử lý thông tin cập nhật lên ứng dụng “Sổ tay quản lý đất đai”. |
Thực hiện phương châm “4 không, 1 có”
Chị Vũ Thị Ninh (ngụ đường Võ Văn Tần, phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) cho biết, chị tham gia đầu tư đất đai tại một số huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Châu Đức. Trước đây, mỗi lần muốn xem thông tin về một thửa đất, chị thường phải nhờ người quen xem quy hoạch, khiến vừa mất thời gian vừa phiền hà. Sau khi cài đặt ứng dụng “Sổ tay quản lý đất đai”, trên điện thoại thông minh, chị dễ dàng tra cứu được các thông tin: diện tích, loại đất, quy hoạch toàn vùng…
Theo Sở TN-MT, với những người sử dụng thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng (iPad, Samsung tab), việc cài đặt ứng dụng rất nhanh chóng và dễ dàng. Người sử dụng chỉ cần vào kho ứng dụng App Store hoặc Google Play, tìm kiếm theo từ khóa iLand rồi chọn ứng dụng này cài đặt. Ứng dụng chia thành 4 hình thức sử dụng liên quan đến tài khoản đăng nhập.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều những ứng dụng của ngành TN-MT mang lại giá trị thiết thực được nhiều người dân, DN đánh giá cao, qua đó hạn chế các thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian đi lại và giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn lĩnh vực phụ trách.
Theo ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm CNTT (Sở TN-MT), ngoài ứng dụng Sổ tay quản lý đất đai, Sở TN-MT còn đưa vào ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch, quản lý đất công, ứng dụng tra cứu sổ đỏ. Đồng thời, triển khai thí điểm một số thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất “không biên giới” tại TP. Bà Rịa, huyện Long Điền. Nhờ đó, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Sở TN-MT thời gian qua đã có chuyển biển tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Kết quả này được chứng minh, khi chỉ số tiếp cận đất đai của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng từ 6,85 điểm năm (năm 2020) lên 7,01 điểm (năm 2021). Đây là mức cao nhất trong vòng 6 năm qua, giúp tỉnh vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam bộ, chỉ sau Bình Dương (thứ 6) và vượt qua TP. Hồ Chí Minh (thứ 14).
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, có được kết quả trên là nhờ thời gian qua Sở TN-MT đã triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “4 không, 1 có”: làm việc không giấy tờ; hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt và có số hóa thông tin, dữ liệu. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, cung cấp thông tin về chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định hiện hành trên Cổng thông tin điện tử; thực hiện 100% chữ ký số, kiên quyết không sử dụng văn bản giấy trong luân chuyển văn bản; chia sẻ văn bản, tài liệu trên môi trường mạng; thực hiện chỉ đạo điều hành thông qua email và tin nhắn; quản lý tiến độ trên file và phần mềm chuyên dụng.
Tất cả các DN có nguồn thải lớn đều phải quan trắc tự động và cập nhật dữ liệu về Trung tâm điều hành quan trắc tự động tỉnh. |
Phát triển dữ liệu số
Ông Nguyễn Văn Hải cho biết thêm, hiện Sở quản lý nhiều hoạt động thuộc 5 lĩnh vực cơ bản: đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn-biến đổi khí hậu, biển và hải đảo. Những năm gần đây, Sở luôn chú trọng ứng dụng CNTT, thực hiện CĐS góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực TN-MT. Theo đó, ngay từ đầu năm, Sở đã tập trung giải quyết hồ sơ đúng hạn, hạn chế tối đa tình trạng hồ sơ quá hạn, đặc biệt là tình trạng “ngâm” hồ sơ thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.
Để tiếp tục lộ trình CĐS ngành TN-MT, Sở đã thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu TN-MT; duy trì hoạt động hệ thống thông tin, dữ liệu của ngành. Đồng thời, điều tra, thu thập, cập nhật dữ liệu tài nguyên và môi trường; nâng cấp phần mềm ViLIS phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; vận hành phần mềm quản lý đất công trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở TN-MT cũng khẳng định, ngành TN-MT được chọn là một trong những lĩnh vực đầu tiên phải có trong mắt xích của “đô thị thông minh, chính quyền điện tử”. Vì vậy, năm 2022, Sở đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và môi trường mạng mức độ 3, 4; triển khai thanh toán phí, lệ phí và các chi phí khác để người dân, DN thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành TN-MT. Song song đó, Sở cũng xây dựng dự án “Triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý tài nguyên, môi trường thông minh”; nâng cấp hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nâng cấp phần mềm quản lý dữ liệu môi trường; xây dựng bổ sung các cơ sở dữ liệu thành phần của ngành TN-MT để chia sẻ thông tin, dữ liệu cho các cơ quan chức năng và kết nối dữ liệu với Trung tâm điều hành giám sát thông minh tỉnh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Đến nay, Sở TN-MT đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ 3, mức độ 4 với 107/116 tổng số dịch vụ công (chiếm 92%) trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Theo thống kê trên phần mềm một cửa điện tử, chỉ tính trong quý I/2022 số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc ngành TN-MT trên tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết là 723/891, đạt tỷ lệ 81%.
Sở TN-MT hiện cũng đã thực hiện rà soát, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu cho 7.571 khu đất với tổng diện tích hơn 11.000 ha và thực hiện công bố dữ liệu đến công dân và DN tại địa chỉ http://qldatcong.sotnmt.baria-vungtau.gov.vn/gis.
|