Xây dựng "kịch bản" chống dịch: chuẩn xác, chủ động, kịp thời
Đó là một trong những kinh nghiệm đáng quý trong công tác phòng chống dịch COVID-19 mà ngành y tế cả nước và các địa phương đã thực hiện để đạt được hiệu quả.
Bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bà Rịa kiểm tra thiết bị y tế điều trị tại khu điều trị cách ly Khoa Nhiễm. |
LÊN PHƯƠNG ÁN PHÙ HỢP VỚI TỪNG GIAI ĐOẠN
Thời điểm cận Tết Canh Tý 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế, xác định sớm các yếu tố nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào BR-VT, ngành y tế tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ ngoài vào. Đồng thời triển khai các biện pháp dự phòng, điều trị tại các cơ sở y tế. Hệ thống ứng phó với dịch COVID-19 ngay sau đó đã được khởi động. Các bệnh viện, trung tâm y tế nhanh chóng thiết lập quy trình kiểm soát và chuẩn bị phương án dự phòng tiếp nhận, điều trị COVID-19.
Đầu tháng 2/2020, các ca nhiễm dịch bệnh trên toàn cầu cũng như trong cả nước đang tăng lên từng ngày, ngành y tế BR-VT đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh COVID-19 với 4 tình huống đối phó với dịch bệnh tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh ban hành để huy động toàn bộ hệ thống chính trị, cả cộng đồng cùng tham gia công tác phòng chống dịch.
Quan trọng nhất, ngành y tế BR-VT đã xây dựng hệ thống dự phòng bền vững, góp phần ngăn chặn dịch bệnh không xâm nhập từ bên ngoài vào. Cụ thể, ngay từ đầu mùa dịch (tháng 2), đã hướng dẫn và phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập như: Tổ chức khai báo y tế tại tất cả cửa khẩu đối với tất cả các hành khách nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch; Đẩy mạnh việc giám sát bệnh viêm phổi nặng tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát dựa vào sự kiện; Tổ chức cách ly, quản lý kịp thời các trường hợp nghi nhiễm bệnh và điều tra xác minh, xử lý ổ dịch… Đặc biệt, ngành đã áp dụng chặt chẽ quy trình cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với những trường hợp có tiếp xúc với người nhiễm bệnh COVID-19, người trở về từ vùng dịch gồm: Cách ly tập trung; cách ly tại nhà, nơi cư trú; hạn chế tiếp xúc.
Bên cạnh đó, ngành đã hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở y tế: Tổ chức tốt quy trình sàng lọc, phân luồng, cách ly các trường hợp khám bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; Tăng cường phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế; Bố trí cán bộ trực 24/24; Xử lý ngay các trường hợp bệnh tại các cơ sở y tế của địa phương, phối hợp thông tin hội chẩn qua điện thoại và các phương tiện công nghệ thông tin với tuyến trên trong chẩn đoán và điều trị (chỉ vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên đối với các trường hợp vượt khả năng điều trị…). Các trường hợp bệnh nhân có yếu tố dịch tễ nghi ngờ COVID-19 được khám sàng lọc, điều trị cách ly tại các cơ sở y tế trên địa bàn theo phân tuyến.
Song song đó, ngành đã hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thiết lập quy trình giám sát, xử lý các trường hợp đi và về từ vùng dịch, có tiếp xúc với bệnh nhân; hỗ trợ phương tiện, cơ sở vật chất cho các địa phương để tổ chức giám sát, theo dõi các trường hợp nghi ngờ bệnh. Ngành y tế cũng thiết lập “đầu mối” cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống cho các cơ quan ngôn luận, báo chí, thông tin đại chúng, để mọi người hiểu rõ, nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; qua đó cùng chung tay đẩy lùi thành công dịch bệnh.
Khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch cả nước, ngành y tế BR-VT đã triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, ngành y tế tiếp tục tập trung công tác theo dõi, giám sát các trường hợp có yếu tố dịch tễ; tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 cho các cơ sở điều trị; tập huấn kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên làm việc trong các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly tập trung. Chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, cảnh sát khu vực, công an xã, thanh niên xung kích trên địa bàn, tổ dân phố, thôn ấp… tăng cường việc giám sát các trường hợp cách ly tại gia đình, hạn chế tối đa việc giao tiếp của các đối tượng phải cách ly y tế; thực hiện cưỡng chế cách ly y tế đối với các trường hợp chống đối cách ly theo quy định. Ngành công an tổ chức triển khai đến tận xã, phường, thị trấn việc giám sát, xác minh, quản lý người mới đến địa phương, người mới nhập cảnh vào địa phương… |
SỰ CHỦ ĐỘNG CỦA CƠ SỞ Y TẾ
Kiểm soát thành công dịch bệnh còn nhờ vào sự chủ động ứng phó của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa. Bám sát các chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế, ngay từ đầu mùa dịch, các đơn vị đã tập trung nhiều nguồn lực, lên phương án cho công tác chống dịch trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra, liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh để điều chỉnh, bổ sung phương án kịp thời.
Đơn cử, tại BV Bà Rịa, đây là đơn vị tuyến cuối của tỉnh trong điều trị các trường hợp nhiễm COVID-19. Từ đầu tháng 2, đơn vị đã thiết lập quy trình phòng chống dịch bệnh ở mức độ cao nhất. Theo đó, BV Bà Rịa đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, 3 đội phản ứng nhanh với dịch bệnh. Quy trình giám sát, tiếp nhận, xử trí bệnh nhân nghi nhiễm được xây dựng chi tiết, chặt chẽ và có đường di chuyển riêng, hạn chế tối đa bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 vào khu vực nhiều người để phòng tránh virus phát tán ra xung quanh.
Các TTYT tuyến huyện cũng bố trí dự phòng 10 giường bệnh để điều trị cách ly cho bệnh nhân COVID-19 trong tình huống dịch lây lan ra cộng đồng. Các trạm y tế bên cạnh việc theo dõi, giám sát các trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú, đã chuẩn bị các phương án để cách ly, điều trị tại chỗ, chuyển viện hoặc theo dõi điều trị tại nhà trong bối cảnh dịch lan rộng…
Không chỉ cơ sở y tế công lập và y tế ngành, các cơ sở y tế tư nhân bao gồm phòng khám đa khoa tư nhân, phòng mạch, nhà thuốc đều tham gia, chấp hành tốt công tác sàng lọc, phân luồng bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng chống COVID-19 theo chỉ đạo và hướng dẫn của Sở Y tế.
Bài, ảnh: MINH THIÊN