.

Quốc hội giám sát chuyên đề về chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội

Cập nhật: 09:25, 25/05/2024 (GMT+7)

Sáng 25/5, triển khai chương trình giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao đối với chuyên đề: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 43).

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp.

Nhiều kết quả tích cực

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Nghị quyết số 43 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch COVID-19 đang diễn ra và gây tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm thấp, sản xuất kinh doanh thu hẹp, an sinh xã hội, việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc chủ động, kịp thời của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 đã được tiến hành hết sức khẩn trương trong phạm vi cả nước, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Kết quả thực hiện cho thấy, hầu hết chính sách, biện pháp được ban hành tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách, được Nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng.

Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới...

Giám sát chuyên đề nói trên tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Đoàn Giám sát của Quốc hội đánh giá cao những cố gắng, trách nhiệm và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc ban hành văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận kết quả tích cực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 đến phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Cụ thể, việc triển khai các chính sách theo Nghị quyết đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các gói hỗ trợ của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ như miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tín dụng… được tập trung triển khai kịp thời, đúng quy định, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, hỗ trợ người lao động, tạo việc làm được triển khai hiệu quả, giúp người dân, người lao động sớm ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trừ dầu thô và khí đốt bình quân trong 02 năm 2022 - 2023 tăng trưởng đạt 7,46%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn bình quân trong 2 năm 2022 - 2023 tăng trưởng đạt 5,21%/năm; tổng vốn đầu tư thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong 02 năm 2022 - 2023 khoảng 99.223,5 tỷ đồng. Năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giảm còn 0,35%.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43 là 4.103,3 tỷ đồng; Hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hành chính sách xã hội tỉnh là 45,994 tỷ đồng…

Về an sinh xã hội, lao động việc làm đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng là 4.293.568 triệu đồng/78.622 khách hàng, tăng 523.777 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 13,9% so với đầu năm. Tổng số người lao động được hỗ trợ 33.434 người, trong đó người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp 46.951 người…

Đoàn giám sát của Quốc hội nhận định, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã báo cáo tương đối toàn diện các kết quả đạt được trong thực hiện các chỉ tiêu phục hồi, phát triển và tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc vẫn còn một số chính sách chậm hướng dẫn cụ thể hoặc một số chính sách phải hướng dẫn điều chỉnh bổ sung dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, một số chính sách như hỗ trợ lãi suất 2%, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chưa cao.

Bảo đảm tốt tiến độ triển khai các dự án quan trọng

Về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Đoàn giám sát của Quốc hội đã giám sát Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, được bố trí vốn ngân sách trung ương nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là. Năm 2023, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn NSTW nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với số vốn là 1.018.000 triệu đồng.

Đoàn giám sát cho rằng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nghiêm túc, cố gắng đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân cho các dự án thuộc Chương trình, đăc biệt chủ động, sáng tạo trong việc bố trí quỹ đất tái định cư, vận dụng cơ chế đặc thù để chủ động vật liệu san lấp. Đến hết tháng 12/2023 đã giải ngân 1.018 tỷ đồng, đạt 100% số vốn.

Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả đạt được, cho rằng trong thời gian rất ngắn (trong vòng 10 tháng, từ tháng 8/2022 đến tháng 5/2023), UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong công tác giải phóng mặt bằng với diện tích gần 138 ha, bao gồm trên 1.200 hộ dân và tổ chức, đảm bảo bàn giao mặt bằng trên 70% diện tích thu hồi, đủ điều kiện khởi công Dự án ngày 18/6/2023 theo đúng quy định. Qua đó, Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đến nay đã bàn giao trên 99% mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công theo đúng tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng ghi nhận nội dung địa phương kiến nghị Trung ương xem xét tổng hợp trình cấp thẩm quyền bố trí bổ sung vốn NSTW năm 2024 cho dự án 660 tỷ đồng và nội dung tổng chi phí giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án khoảng 3.208 tỷ đồng dẫn đến tổng mức đầu tư dự án vượt 764 tỷ so với sơ bộ tổng mức đầu tư được duyệt theo Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 để báo cáo Quốc hội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án để có cơ sở bố trí vốn kịp thời thực hiện hoàn thành Dự án đúng tiến độ.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

 

.
.
.