.
KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Quy định chi tiết về quyền tiếp cận tài liệu lưu trữ điện tử

Cập nhật: 18:13, 24/05/2024 (GMT+7)

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sáng 24/5, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung nội dung, đảm bảo tính thống nhất với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các luật liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)  thảo luận dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thảo luận dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ

Mở rộng quyền tiếp cận tài liệu

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, việc xác định những ai được tiếp cận với nguồn tài liệu điện tử cũng cần được quan tâm và xác định chi tiết. Theo đại biểu, tiêu chí quan trọng nhất để xác định chủ thể có quyền tiếp cận nguồn tài liệu đó là phải dựa vào tính chất của thông tin chứa trong tài liệu và mục đích của người tiếp cận.

Ngoài ra, việc lưu trữ tài liệu điện tử để có thể phát huy hiệu quả trên thực tế cần có sự tích hợp giữa nguồn tài liệu điện tử và vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, những tài liệu phục vụ cho hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước cần mở rộng quyền tiếp cận đến tất cả mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội để họ xác định đúng quyền và nghĩa vụ của họ trong quan hệ pháp luật hành chính cụ thể và thông qua đó có nhiều thủ tục hành chính rườm rà được cắt giảm, hiệu quả quản lý Nhà nước nâng lên đáng kể.

Về thu nộp, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại khoản 6, Điều 36 dự thảo luật quy định: Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai giải pháp về bảo mật… Tuy nhiên, khoản 3 Điều 6 Luật Cơ yếu năm 2011 quy định: Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về cơ yếu.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa thành: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai giải pháp về bảo mật, xác thực trong hoạt động nghiệp vụ lưu trữ của các cơ quan Đảng, Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước về cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Tính toán nguồn nhân lực cho công tác lưu trữ

Đề cập đến việc nguồn nhân lực lưu trữ để đáp ứng rất nhiều nhiệm vụ như dự thảo luật đã đề cập, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, qua nắm thông tin, tình hình thực tiễn và qua khảo sát, làm việc với các cơ quan, đơn vị, thì rất nhiều cơ quan còn ở cấp tỉnh chỉ bố trí một người làm văn thư vừa làm lưu trữ với chức danh thường gọi là văn thư lưu trữ. Việc chủ yếu là thực hiện công tác văn thư với khối lượng công việc văn thư ngày càng nhiều do yêu cầu nhiệm vụ tại các đơn vị chuyên môn ngày càng tăng. Xử lý công việc đồng thời bằng phần mềm và thủ công, thì thời gian làm việc trong ngày chỉ dành cho công tác văn thư và nhiệm vụ lưu trữ gần như là bỏ ngỏ. Do đó, tài liệu lưu trữ bị tồn đọng, tích đọng do không có thời gian và nguồn lực để thực hiện, tình trạng này xảy ra khá phổ biến, nhất là ở cấp xã.

NGỌC NGUYỄN

 
.
.
.