.

Quốc hội thảo luận Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Cập nhật: 09:43, 24/05/2024 (GMT+7)

Sáng 24/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự thảo Luật Lưu Trữ (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Ông Nguyễn Tâm Hùng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp.
Ông Nguyễn Tâm Hùng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương với 65 điều, đã bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật.

Tham gia thảo luận dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ý kiến đối với khoản 3 Điều 8 của dự thảo Luật quy định hành vi bị nghiêm cấm là “Hủy trái phép tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt”.

Theo đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét hành vi này cần đưa ra khỏi dự thảo Luật, vì tại khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật đã quy định hành vi bị nghiêm cấm là hủy trái phép tài liệu. Nếu tiếp tục quy định là sẽ trùng lắp giữa khoản 1 và khoản 3 của Điều 8.

Về thu nộp, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị, đại biểu Hùng cho biết tại khoản 6, Điều 36 dự thảo Luật quy định: “Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai giải pháp về bảo mật…”. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 6 Luật Cơ yếu năm 2011 quy định: Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa thành: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai giải pháp về bảo mật, xác thực trong hoạt động nghiệp vụ lưu trữ của các cơ quan Đảng, Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ”.

Về trình tự, thủ tục công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, đại biểu Hùng nêu tại khoản 1 Điều 39 của dự thảo Luật quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức; người đứng đầu lưu trữ lịch sử và cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng lập hồ sơ đề nghị công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt”. Song, để thống nhất chủ thể và áp dụng luật thuận lợi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo, cân nhắc làm rõ cụm từ “cộng đồng” trong trường hợp này.

Về chứng chỉ hành nghề lưu trữ, đại biểu cho biết, qua nghiên cứu điểm b, khoản 4 Điều 56 dự thảo Luật quy định những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ có nội dung: “Đang chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Đại biểu cho rằng quy định này còn có điểm chưa thống nhất với khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể, khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất quy định về việc “đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, điều chỉnh quy định tại điểm b khoản 4 Điều 56 dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cho phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ giải trình các nội dung mà các đại biểu quan tâm, có ý kiến.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

 

.
.
.