.

Quốc hội thảo luật tổ 2 dự án Luật

Cập nhật: 17:21, 24/05/2024 (GMT+7)

Chiều 24/5, tiếp tục Chương lập pháp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ đại biểu đối với dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Tổ thảo luận Số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự Thảo luận tổ Số 4 có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Tham gia thảo luận đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) tại tổ đại biểu, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi với 8 chương, 74 điều, giảm 2 điều so với Luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ tại khoản 1 Điều 5, đại biểu Hùng đề nghị thêm cụm từ “vũ khí quân dụng” vào trước cụm từ “vũ khí thô sơ”, vì hiện nay một số bảo tàng vũ khí tư nhân có vũ khí quân dụng đã được vô hiệu hóa đang trưng bày nếu để nguyên như dự thảo luật, thì khi luật có hiệu lực thi hành thì vũ khí trưng bày của cá nhân sẽ không được phép thực hiện.

Về điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại điểm b, khoản 2, Điều 7, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “trường hợp đối tượng thuộc quân đội nhân dân”, vì hiện nay quân đội nhân dân Việt Nam cấp vũ khí theo tổ chức, đơn vị, không cấp giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng, hơn nữa có những vũ khí của quân đội cấp sử dụng chung nên không thể cấp giấy phép sử dụng.

Về quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ tại khoản 1, Điều 9, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung cụm từ “xuống cấp” sau cụm từ “hư hỏng”, vì theo đại biểu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đều được phân cấp, nếu quản lý và bảo quản không tốt sẽ xuống cấp (cấp 5), phải loại bỏ không sử dụng.

Về dịch vụ nổ mìn tại Điều 41, đại biểu Hùng đề nghị thêm một khoản sau khoản 9 với nội dung: Cơ quan,tổ chức, doanh nghiệp khi tiến hành nổ mìn phải thông báo cho Ủy ban nhân dân, Công an, Quân sự cấp xã về thời gian, địa điểm nổ mìn để có phương án phối hợp, bảo vệ an toàn.

Về nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại khoản 1, Điều 61, đại biểu Hùng đề nghị bỏ cụm từ “hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất” cho phù hợp.

Tiếp tục tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Sửa đổi), đại biểu Đỗ Văn Yên - Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng hải Quân Việt Nam, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị cần làm rõ và nên quy định bổ sung vào khoản 1 Điều 24 về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Đại biểu Đỗ Văn Yên phát biểu thảo luận.
Đại biểu Đỗ Văn Yên phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu Yên trong thực tiễn đã xảy ra những trường hợp công dân xông vào trụ sở cơ quan công quyền gây rối, dùng vũ lực, thậm chí có sử dụng hung khí, vũ khí uy hiếp, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc trường hợp đua xe trái phép, thì cần quy định cho phép người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong các trường hợp trên.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung vấn đề này. Ngoài ra, đại biểu Đỗ Văn Yên cũng góp ý một số nội dung quan trọng khác của dự thảo Luật.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

 

 

 

.
.
.