Thúc đẩy hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng
Ngày 30/5, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp…
Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ảnh: CHÂU VŨ |
Đề xuất giám sát tối cao 2 chuyên đề
Đánh giá khái quát về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện và đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Trên cơ sở báo cáo của các đoàn giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề.
Một trong những điểm mới, khác với hoạt động giám sát thông thường nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” ngay sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua để góp phần đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống.
Về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2025. Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.
Cụ thể: Chuyên đề 1 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung); Chuyên đề 2 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung).
Làm rõ quy định đối tượng áp dụng chính sách
Phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đồng tình với các nội dung được bổ sung, chỉnh lý của dự thảo luật.
Đối với quy định tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP) từ Điều 41 đến Điều 44 dự thảo luật, đại biểu cho biết đây là nội dung mới trong dự thảo và bước đầu tạo hành lang pháp lý cho phép xây dựng, hoàn thiện thể chế cho loại hình tổ hợp CNQP này, góp phần thúc đẩy hình thành tổ hợp CNQP trong thực tiễn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ quy định tại Điều 44 về đối tượng áp dụng chính sách, do tổ hợp không phải là tổ chức, không phải là pháp nhân mà là hệ thống liên kết, hợp tác của cơ sở công nghiệp quốc phòng, tổ chức, doanh nghiệp.
Đóng góp ý kiến, đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Dự thảo luật có nhiều nội dung đặc thù, trong đó có những nội dung quy định khác với pháp luật hiện hành như các vấn đề đầu tư, hoạt động khoa học và công nghệ, tạo nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh… Theo đại biểu, quy định này là cần thiết nhằm vừa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, vừa đảm bảo tính đặc thù của hoạt động CNQP và công nghiệp an ninh.
Đối với điểm e khoản 2 Điều 2, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định cho phù hợp, không quy định cụ thể về mức ưu đãi thuế trong luật này, mà nên quy định khung để các văn bản pháp luật về thuế quy định chi tiết hoặc nếu đã có quy định thì cần thưc hiện dẫn chiếu. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục quan tâm, rà soát kỹ các nội dung đặc thù, vượt trội tại dự thảo luật có khác với pháp luật hiện hành để quy định tại khoản 2 điều này cho đầy đủ, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
NGỌC NGUYỄN