Phát huy tinh thần 'tàn nhưng không phế'

Thứ Hai, 24/07/2023, 19:32 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Từng “vào sinh ra tử” nơi chiến trường đạn bom ác liệt, những người lính Cụ Hồ trở về đời thường với mất mát, đớn đau về thể xác. Song với tinh thần "tàn nhưng không phế", nhiều cựu chiến binh (CCB) là thương binh, bệnh binh vẫn xông pha phát triển kinh tế,  tích cực tham gia phong trào tại địa phương.

Hội CCB xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) tặng gạo cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Hội CCB xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) tặng gạo cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Giỏi làm kinh tế, tích cực việc xã hội

Chúng tôi đến ấp An Phước (xã An Ngãi, huyện Long Điền) gặp gỡ CCB Nguyễn Mạnh Đa (SN 1940), thương binh, bệnh binh 3/4, đồng thời là tấm gương về nông dân sản xuất giỏi của Hội Nông dân xã.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Thái Nguyên, năm 18 tuổi, chàng trai Nguyễn Mạnh Đa nghe theo tiếng gọi của non sông lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau nhiều năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Bà Rịa-Long Khánh, người lính Nguyễn Văn Đa nảy sinh tình yêu với cô gái Trần Thị Oanh tại An Ngãi. Sau ngày đất nước giải phóng, hai người kết hôn và lập nghiệp tại quê hương bà Oanh. Niềm vui đoàn tụ chưa được bao lâu khi bà Oanh vừa sinh con trai đầu lòng, ông Đa lại lên đường tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

Đến năm 1985, ông Đa xuất ngũ về địa phương với thương tật hạng 4/4. Đời sống lúc ấy gặp nhiều khó khăn, chưa kể những mảnh đạn vẫn còn nằm trong cơ thể làm ông đau đớn khi trái gió trở trời. Song với ý chí “tàn nhưng không phế”, ông Đa tiếp tục xông pha trên mặt trận phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia hoạt động xã hội tại địa phương.

Với đồng vốn ít ỏi, ông Đa mạnh dạn trích 1,1 triệu đồng mua 2 con bò làm giống. Bằng cách lấy ngắn nuôi dài, đàn bò sinh sản ngày một nhiều lên. Những năm sau đó, phong trào nuôi bò sinh sản phát triển, bò giống dễ tiêu thụ và đầu ra bò thịt cũng ở mức cao nên gia đình ông xây thêm chuồng trại, bán bớt bò đực (chỉ giữ lại 1 con làm giống) lấy vốn mua bò cái. Đến nay, đàn bò nhà ông Đa lên tới 25-30 con.

Ngoài nuôi bò, ông Đa mua hơn 3,5ha đất để trồng lúa kết hợp lấy cỏ, rơm cho bò. Phân bò được ông ủ thành phân hữu cơ để bón ruộng. Nhờ quy trình khép kín trong chăn nuôi, trồng trọt, ông Đa trở thành tấm gương sản xuất giỏi của Hội Nông dân xã An Ngãi với mức thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.

Tuy bận rộn với công việc nhà nông nhưng ông Đa còn tham gia nhiệt tình vào công tác ở địa phương với các chức danh như Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội CCB và là Bí thư Chi bộ ấp An Phước. Hễ ở đâu có mâu thuẫn, tranh chấp, ông Đa lại đến gặp gỡ, tìm hiểu, phân tích, giảng giải… giúp xóm làng thêm đoàn kết. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “CCB chung sức xây dựng NTM”, ông Đa tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất, chặt bỏ hàng chục cây ăn trái có giá trị kinh tế cao để làm đường giao thông đi qua.

Tương tự, với tinh thần "tàn nhưng không phế", nhiều CCB vẫn hăng say làm kinh tế. Toàn tỉnh hiện có gần 100 DN vừa và nhỏ, thu hút trên 1.500 lao động, gần 100 gia trại, trang trại thu hút 500 lao động do CCB làm chủ. "Điều này cho thấy, với quyết tâm “CCB không cam chịu đói nghèo”, các CCB đã phấn đấu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả cao”, ông Mã Thành Sơn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh nói.

Hội CCB tỉnh hiện có 3.250 hội viên tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội. Ở cương vị nào, những người lính Cụ Hồ năm xưa đều gương mẫu đi đầu trong các hoạt động từ thiện xã hội, đặc biệt là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội CCB phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Tỉnh Đoàn, Sở GD-ĐT tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho 761.644 lượt HS-SV, nói chuyện chuyên đề cho 109.767 lượt ĐVTN.

 

Chung sức “Đền ơn đáp nghĩa”

Xuất ngũ năm 1988, CCB Nguyễn Văn Cảnh trở về sinh sống tại ấp Phước Hương (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) và tham gia công tác Hội CCB. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Cảnh luôn tích cực tham gia công tác phát triển hội viên và hưởng ứng phong trào thi đua, góp phần đưa công tác hội và phong trào CCB ngày càng đi lên. Vì lẽ đó, năm 2017, ông Cảnh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã Phước Tỉnh.

Nhận thấy nhiều hội viên CCB là thương binh, bệnh binh hoàn cảnh còn khó khăn, ông Cảnh trăn trở tìm giải pháp, triển khai các mô hình “Dân vận khéo” để huy động nhiều nguồn lực nhằm giúp đỡ hội viên. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, ông Cảnh vận động cán bộ, hội viên đóng góp gạo để thực hiện mô hình “Hủ gạo nghĩa tình đồng đội”. Đến nay, đã có 3 hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn được nhận 20kg gạo/người/tháng từ “Hũ gạo nghĩa tình đồng đội”.

Bà Trần Ngọc Miên, hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn ở ấp Phước Thái (xã Phước Tỉnh) chia sẻ: “Tuổi già sức yếu, không còn sức lao động nên được Hội CCB quan tâm, động viên tinh thần, đặc biệt là 20kg gạo hàng tháng từ “Hũ gạo nghĩa tình đồng đội” đã giúp tôi vơi bớt khó khăn. Tôi xúc động với tình cảm của anh em CCB lắm”.

Không chỉ tích cực làm giàu cho bản thân và gia đình, những năm qua, các cấp Hội CCB còn tích cực vận động cá nhân, DN, hội viên quyên góp tiền mặt, vật chất xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên khó khăn.

Trong căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” rộng hơn 40m2 khang trang, sạch đẹp do Hội CCB tỉnh vận động Công ty CP Thành Chí (TP.Vũng Tàu) tài trợ hồi tháng 3/2023, CCB Võ Thành Công (KP.Long Sơn, TT.Long Điền, huyện Long Điền) xúc động tâm sự, do sức khỏe yếu nên vợ chồng tôi chỉ nuôi dăm con gà, vài con heo để mưu sinh chứ chưa dám mơ có được một căn nhà mới khang. “May được Hội CCB tỉnh vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình mới cất được nhà kiên cố như thế”, ông Công nói.

Theo ông Mã Thành Sơn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, Hội CCB tỉnh sẽ tiếp tục vận động CCB đoàn kết, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế; tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào, chương trình phát triển văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh địa phương, góp phần làm sáng đẹp thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. 

Bài, ảnh: MINH NHÂN

 
;
.