Đề xuất giao việc giải phóng mặt bằng cho địa phương

Thứ Năm, 01/06/2023, 19:16 [GMT+7]
In bài này
.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phát biểu tranh luận với quan điểm về trách nhiệm trong đầu tư công thuộc về Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH  tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tranh luận với quan điểm về trách nhiệm trong đầu tư công. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tranh luận với quan điểm về trách nhiệm trong đầu tư công. Ảnh: CHÂU VŨ

Cần thống nhất trong giải ngân vốn đầu tư công

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, Chính phủ đã rất quyết liệt và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023 có 74/115 cơ quan giải ngân vốn dưới 15%. Điều này cho thấy khâu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công còn yếu. Qua thực tế, đại biểu cho rằng, vướng mắc hiện nay là nhà tư vấn không tham gia thẩm định giá đất, sợ rủi ro nên cần phải tháo gỡ.

Điểm vướng mắc nữa là vấn đề giải phóng mặt bằng dự án. Do đó, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ giao vấn đề này cho địa phương thực hiện để bảo đảm tiến độ. Dẫn chứng đối với dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khi Trung ương giao về cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương đã thực hiện giải phóng mặt bằng rất hiệu quả, đến nay đã hoàn thành 80% tiến độ. “Vì vậy, Quốc hội nên giao vấn đề này hẳn cho địa phương mà không thí điểm như hiện nay”, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị .

Đối với đất lúa và đất rừng, trong phạm vi quyền hạn của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Quốc hội giao Chính phủ để giao cho địa phương quyết định. Bởi, vấn đề này hiện nay các địa phương đang vướng mắc, phải hoàn tất các thủ tục liên quan trình Bộ NN-PTNT thẩm tra, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Thủ tục này mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Đại biểu nhận thấy, các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã rất quyết liệt tháo gỡ, thành lập các tổ công tác với nhiều bộ, ngành tham gia để giải quyết khó khăn cho địa phương, từng dự án cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị khi Chính phủ triển khai làm việc xong thì có kết luận chỉ đạo, gửi các bộ, ngành và 63 địa phương cấp tỉnh. Từ đó, thống nhất thực hiện nghiêm túc cũng như để các địa phương không có dự án đó nhưng được tiếp cận nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong giải quyết vướng mắc về đầu tư của các dự án.

Tránh thay đổi chính sách quá đột ngột

Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 1/6, đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc thay đổi đột ngột về mặt chính sách đã gây lãng phí các nguồn điện tái tạo khi đang trong tình trạng thiếu điện đang hiển hiện.

Đại biểu cho biết, Nghị quyết số 55-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về định hướng "Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" xác định rất rõ, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa nguồn năng lượng hóa thạch, sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời cho phát điện.

“Đây là định hướng chiến lược cho một giai đoạn phát triển. Trước khi ban hành nghị quyết này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều văn bản mang tính đột phá về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển điện gió, điện mặt trời”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nói.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, gần đây trong các văn bản điều hành, cơ quan chức năng có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách. Các quy định về khung giá điện, nhà máy phát điện, nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trong thời gian gần đây không những không khuyến khích, ưu đãi, các dự án điện gió, điện mặt trời như Nghị quyết số 55-NQ/TƯ, mà còn quy định còn thắt chặt so với các dự án điện truyền thống, chứa nhiều quy định chưa thật sự hợp lý và tập trung ở 3 văn bản chính của Bộ Công Thương.

Nêu 6 bất cập chính trong 3 văn bản của Bộ Công Thương, đại biểu cho biết, các văn bản đã bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm; bãi bỏ điều khoản tiền mua điện sang USD; bãi bỏ khoản bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện gió nối lưới với giá mua điện tại thời điểm giao nhận; khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió không phản ánh đúng mối tương quan trong tính toán phương án bán điện hằng năm. Nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió lớn đi vào hoạt động nhưng các công trình truyền tải điện không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số quy định không thống nhất, mâu thuẫn với văn bản của cấp trên về điện tái tạo.

Đại biểu cho rằng, việc này làm cho các nhà đầu tư không lường trước được rủi ro và không an tâm trong đầu tư phát triển dự án. “Ước tính hơn 4.600 MW từ các dự án không được khai thác đưa vào sử dụng, trong khi chúng ta đang trong tình trạng thiếu điện và đã, đang phải nhập điện nước ngoài”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển thông tin và cho rằng, trước mắt sẽ khiến nhà đầu tư có nguy cơ phá sản, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, không đạt được mục tiêu về an ninh năng lượng và giảm thải các bon.

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị, Chính phủ, Bộ Công Thương cần xem xét lại chính sách trên theo hướng điều chỉnh chính sách phải có phương án giảm sốc, có lộ trình hợp lý, tránh việc thay đổi chính sách một cách quá đột ngột… Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo lớn đã được sản xuất nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng; có giải pháp đồng bộ, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành năng lượng tái tạo.

NGỌC NGUYỄN - CHÂU VŨ

(Từ Hà Nội)

;
.