Đề nghị Chính phủ giao cho địa phương quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa và đất rừng nằm trong dự án

Thứ Năm, 01/06/2023, 11:17 [GMT+7]
In bài này
.

Tại phiên thảo luận hội trường về kinh tế -  xã hội, ngân sách nhà nước sáng nay (1/6), đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát biểu tranh luận tranh luận với quan điểm về trách nhiệm trong đầu tư công thuộc về Chính phủ.

Đoàn chủ tọa điều hành phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ
Đoàn chủ tọa điều hành phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, Chính phủ đã rất quyết liệt và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có Chỉ thị số 08. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm có 74/115 cơ quan giải ngân vốn dưới 15%. Như vậy, cho thấy khâu thực hiện còn yếu. Qua thực tế, đại biểu cho rằng, điểm còn vướng ở chỗ, các nhà tư vấn không tham gia thẩm định giá đất, sợ rủi ro nên cần phải tháo gỡ.

Bên cạnh đó là vấn đề giải phóng mặt bằng đối các dự án cũng là điểm vướng mắc, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ giao vấn đề này cho địa phương thực hiện để đảm bảo tiến độ. Dẫn chứng đối với dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khi Trung ương giao về cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương đã thực hiện giải phóng mặt bằng rất hiệu quả, đến nay đã hoàn thành 80% tiến độ giải phóng mặt bằng. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội nên giao vấn đề này hẵn cho địa phương mà không thí điểm như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tranh luận tranh luận với quan điểm về trách nhiệm trong đầu tư công. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tranh luận tranh luận với quan điểm về trách nhiệm trong đầu tư công. Ảnh: CHÂU VŨ

Đối với đất lúa và đất rừng, trong phạm vi quyền hạn của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Quốc hội giao Chính phủ để giao cho địa phương quyết định, vì đại biểu cho rằng vấn đề này hiện nay các địa phương rất vướng mắc, phải hoàn tất các thủ tục liên quan trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm tra, báo cáo trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, thủ tục này mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Đại biểu nhận thấy, các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã rất quyết liệt tháo gỡ, đã thành lập các tổ công tác có nhiều Bộ, ngành tham gia để giải quyết khó khăn cho địa phương, từng dự án cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị khi Chính phủ triển khai làm việc xong thì có kết luận chỉ đạo, gửi các Bộ, ngành và 63 địa phương cấp tỉnh, để thống nhất thực hiện nghiêm túc, cũng như để các địa phương không có dự án đó, nhưng được tiếp cận nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong giải quyết vướng mắc về đầu tư của các dự án.

Quang cảnh phiêm họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Trước đó, sáng ngày 26/5, tham gia thảo luận tại tổ đại biểu số 7 về tình hình KT-XH, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định: Năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức; Song kinh tế Việt Nam đã phục hồi “ngoạn mục” sau cơn đại dịch COVID-19, có 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, đáng chú ý là GDP tăng trưởng 8,02% - Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 và thuộc vào top 15 quốc gia có tăng trưởng GDP cao nhất thế giới.

Đối với tình hình KT-XH trong những tháng đầu năm 2023, đại biểu Yến đánh giá: Kinh tế - xã hội của nước ta diễn ra trong tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn, phức tạp. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta. Song kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khích lệ là 3,32% so với cùng kỳ, cao hơn các nước: Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa kỳ…; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các đối lớn được bảo đảm.

Đại biểu Yến chia sẻ, giữa tâm điểm khó khăn chung của kinh tế thế giới, Chính phủ đã bám sát tình hình, làm việc “không ngơi nghỉ”, thành lập 5 Tổ công tác, ban hành nhiều công điện nhắc nhở, các Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định sửa đổi về lĩnh vực đất đai, y tế, xây dựng, đầu tư công…giám sát thực tiễn và đưa ra nhiều phản ứng chính sách nhanh, nhạy, kịp thời. Các chính sách này như một liệu pháp hỗ trợ, xử lý, giải quyết bế tắc để duy trì hoạt động, ổn định nền kinh tế. Được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, dự báo lạc quan, dẫn đầu tốp 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á; được Hội đồng Kinh tế - xã hội Liên Hiệp quốc đánh giá cao hình mẫu của Việt Nam và vai trò của Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu bền vững. Việt Nam lọt tốp 10 điểm đến du lịch, hấp dẫn nhất Châu Á; giành ngôi nhất toàn đoàn SEA Games 32, lần thứ ba liên tiếp đứng trên các cường quốc thể thao Đông Nam Á. Đội tuyển bóng đã nữ Việt Nam đạt giải vô địch, lập kỳ tích 4 lần liên tiếp giữ ngôi hậu, vô địch SEA Games; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

“Kết quả này là do hiệu quả từ các chủ trương lãnh đạo của Đảng, các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội và sự nỗ lực điều hành, quản lý vĩ mô với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng chính phủ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chia sẽ của Nhân dân và doanh nghiệp” - Đại biểu Yến phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến và và các vị đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều đề xuất, kiến nghị quan trọng với Quốc hội và Chính phủ về các giải pháp: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; chính sách tài khóa tiền tệ; đẩy mạnh phát triển xuất khẩu hàng hóa và kiến nghị Quốc hội xem xét, quan tâm sớm đầu tư dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo và kéo lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

CHÂU VŨ - NGỌC NGUYỄN
(Từ Hà Nội)

 

;
.