Xây dựng nền văn học, nghệ thuật đậm bản sắc dân tộc
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Đó là nhấn mạnh của bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” diễn ra sáng 16/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23. |
Mang đậm hơi thở cuộc sống
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Xinh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23, văn học, nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có những bước phát triển toàn diện và mạnh mẽ với dòng mạch chính là “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”. Đội ngũ văn nghệ sĩ được chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng; được tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tác, tạo điều kiện phát huy tài năng. Qua đó, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có nhiều sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật nổi bật ở tất cả các loại hình nghệ thuật: Âm nhạc, thơ, ca, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điêu khắc… mang đậm hơi thở cuộc sống, vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa-tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Các tác phẩm phản ánh những nỗ lực và thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong chương trình, các đơn vị, địa phương đã chia sẻ khái quát toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 trong xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, địa phương.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu là cái “nôi” của đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ với nhiều CLB tài tử được duy trì qua các thế hệ cha ông đi trước, trong đó có huyện Đất Đỏ. Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT Nam Bộ của tỉnh, trong thời gian qua, được sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND các huyện, các ngành chức năng của huyện đã xây dựng kế hoạch bảo tồn ĐCTT, trong đó có 1 CLB ĐCTT huyện và 8 CLB ĐCTT xã, thị trấn với hơn 120 hội viên.
Là địa phương có 1.267 hộ đồng bào dân tộc Châu Ro với 5.131 nhân khẩu sinh sống từ lâu đời mang nét văn hóa đặc trưng, huyện Châu Đức đã phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Châu Ro.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Đức cho hay, trong những năm qua, huyện đã triển khai nhiều dự án như dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội Yangri và Yangva, mở lớp tập huấn Phục dựng, truyền dạy cách thức đánh cồng chiêng Châu Ro... Đặc biệt, huyện luôn quan tâm phối hợp với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh có đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống để phục hồi chữ viết cho cộng đồng người Châu Ro.
Trong 15 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo ngành văn hóa phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét và đề xuất trao Giải thưởng Văn học, nghệ thuật tỉnh lần II (2004-2009) với 49 giải thưởng và lần III (2009-2014) với 57 giải thưởng… nhằm biểu dương sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; động viên, khích lệ các tác giả không ngừng sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.
Dịp này, Tỉnh ủy tặng Bằng khen 5 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2028 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
|
Chiến sĩ trên mặt trận văn học nghệ thuật
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến khẳng định, văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế đã tham gia tích cực vào xây dựng tâm hồn con người, vì những điều tốt đẹp trong đời sống xã hội, có đóng góp quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn ba thập niên đổi mới.
Dẫn lời hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nay ở trong thơ nên có thép. Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, đội ngũ văn nghệ sĩ cần nắm vững chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng về văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; kiên quyết ngăn chặn các khuynh hướng nghệ thuật phản dân tộc, các biểu hiện của “diễn biến hòa bình” trên mặt trận văn học, nghệ thuật để trở thành những chiến sĩ trên mặt trận này.
“Phát huy những thành quả đạt được, tôi mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Bên cạnh đó, cần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thực hiện thắng lợi mục tiêu “xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân” mà Nghị quyết số 23 đã đề ra”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG