Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Thứ Năm, 25/05/2023, 15:20 [GMT+7]
In bài này
.

* Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc và ĐB Dương Tấn Quân tham gia góp ý bằng văn bản dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Chiều 25/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Quang cảnh kỳ họp vào chiều 25/5
Quang cảnh kỳ họp vào chiều 25/5

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022), Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã được UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3/2023, sau đó tiếp tục được hoàn thiện trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 4/2023. 

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế cho biết:

Về tên gọi của dự án Luật, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự thảo Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.

Về thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là triển khai đồng bộ với Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ. Bổ sung, điều chỉnh các nội dung về 8 chính sách từ 1 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 8 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhất là hoàn thiện quy định các chính sách đất đai, tiếp cận vốn, bảo hiểm, thuế, phí và lệ phí… Bổ sung 01 điều (Điều 28) quy định về chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bổ sung tại khoản 2 Điều 17 về việc Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX nhằm bảo đảm tính khả thi, đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Về Liên đoàn Hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế báo cáo: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn HTX tại dự thảo Luật theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực” và đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn HTX theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn HTX.

Về Tổ hợp tác (Chương IX): Do nhiều nội dung liên quan đến tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự nên tại dự thảo Luật chỉ quy định một số nguyên tắc về tổ hợp tác như khái niệm, thành lập và hoạt động, quyền và nghĩa vụ của tổ hợp tác, việc chuyển đổi và chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX.

Về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (Chương X): Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu giữ lại một số nội dung quy định về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam tại Luật Hợp tác xã năm 2012, đồng thời bổ sung một số nội dung khác tại Chương X theo chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW .Việc Nhà nước hỗ trợ một phần hay toàn bộ tùy vào từng trường hợp cụ thể gắn với nhiệm vụ được Nhà nước giao và phụ thuộc vào khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước trong từng thời kỳ. Đối với khó khăn về biên chế, kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất... hiện nay ở liên minh HTX một số tỉnh, thành phố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, có giải pháp xử lý từng trường hợp cụ thể.

Về thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Chương III), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ: Dự thảo Luật đưa ra các quy định về điều kiện, quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với 03 loại thành viên gồm thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn; quy định HTX phải do ít nhất 05 thành viên chính thức, liên hiệp HTX do ít nhất 03 HTX là thành viên chính thức tự nguyện thành lập, nhằm tạo điều kiện khuyến khích, thuận lợi trong việc thành lập HTX, liên hiệp HTX, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cũng phù hợp với HTX, liên hiệp HTX hoạt động theo tổ chức quản trị rút gọn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và bổ sung các quy định về điều kiện tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên HTX, liên hiệp HTX, điều kiện về tổng số thành viên chính thức, số lượng thành viên Hội đồng quản trị, vốn góp tối đa và điều kiện thành lập HTX, liên hiệp HTX.

Về tổ chức quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Chương V): Dự thảo luật đã chỉnh lý tại khoản 4 Điều 56 quy định trường hợp HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động theo tổ chức quản trị rút gọn phát triển thành HTX quy mô nhỏ, vừa, lớn, liên hiệp HTX từ 10 thành viên trở lên thì Đại hội thành viên gần nhất phải quyết định việc chuyển sang tổ chức quản trị đầy đủ; quy định tại Điều 61 về nguyên tắc các nội dung Đại hội thành viên thông qua khi có trên 50% hoặc ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết tán thành của thành viên, đại biểu tham dự và biểu quyết; tại khoản 5 Điều 65 quy định trường hợp có số phiếu ngang nhau thì nội dung có phiếu tán thành của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được Chủ tịch Hội đồng quản trị ủy quyền chủ trì cuộc họp là nội dung được thông qua; tại khoản 7 Điều 59 quy định sau 02 lần triệu tập mà không đủ số thành viên tham dự thì cuộc họp của Đại hội thành viên được tiến hành không phụ thuộc vào số thành viên tham dự. Không quy định về việc Giám đốc (Tổng giám đốc), Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng, người làm kế toán phải có chứng chỉ bồi dưỡng về HTX do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; không quy định trường hợp thuê thành viên Ban kiểm soát; rà soát, chỉnh lý quy định về số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng giám đốc); bổ sung tại Điều 68 và Điều 71 về trách nhiệm của Giám đốc (Tổng giám đốc) trong hoạt động mua chung, bán chung sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên của HTX, liên hiệp HTX.

Về tài sản, tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Chương VI)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý quy định tại Điều 73 về tài sản góp vốn, tương tự như quy định về tài sản góp vốn tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, đồng thời bổ sung một số quy định mang tính đặc thù đối với HTX, liên hiệp HTX. Việc thành viên góp tài sản bằng quyền sử dụng đất thì thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật; việc góp vốn cho HTX, liên hiệp HTX bằng thỏa thuận cho phép HTX, liên hiệp HTX được hưởng quyền khác đối với tài sản thì phải lập hợp đồng xác lập quyền khác đối với tài sản giữa thành viên với HTX, liên hiệp HTX và ghi rõ thời hạn hưởng quyền theo quy định của pháp luật và Điều lệ. Khi chấm dứt hợp đồng, thành viên có quyền rút vốn, tài sản góp vốn và HTX phải có kế hoạch cơ cấu lại, phương án sản xuất, kinh doanh thay thế.

- Đối với việc Chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Điều 79), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết do còn có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hai phương án:

+ Phương án 1: là ý kiến của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 183/BC-CP ngày 04/5/2023 về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), theo đó đề nghị quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của HTX, liên hiệp HTX và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên. Ngoài ra, bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 79 “HTX, liên hiệp HTX xem xét tư cách thành viên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ” tránh được nguy cơ thành viên thâu tóm, không làm mất bản chất, tôn chỉ của HTX, liên hiệp HTX. Phương án này có các quy định liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp gồm Điều 79, điểm l khoản 1 Điều 31, điểm l khoản 1 Điều 35, khoản 17 Điều 40, khoản 5 Điều 64, khoản 5 Điều 70.

+ Phương án 2: là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó đề nghị không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên HTX, liên hiệp HTX mà chỉ quy định về trả lại phần vốn góp khi chấm dứt tư cách thành viên, ra khỏi HTX, liên hiệp HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã và Điều lệ, tương tự như quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012. Phương án 2, tại dự thảo Luật bỏ các quy định liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp, cụ thể bỏ Điều 79, điểm l khoản 1 Điều 31, điểm l khoản 1 Điều 35, khoản 17 Điều 40, bỏ cụm từ “việc chuyển nhượng phần vốn góp tại khoản 5 Điều 64, bỏ cụm từ “nhận chuyển nhượng phần vốn góp” tại khoản 5 Điều 70. Việc trả lại phần vốn góp khi chấm dứt tư cách thành viên ra khỏi HTX, liên hiệp HTX đã được quy định tại khoản 5 Điều 70, điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 78, khoản 1, 2 và khoản 6 Điều 90 của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

- Đối với thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Điều 82); góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp (Điều 83): Dự thảo Luật đã tiếp thu và quy định HTX, liên hiệp HTX được thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX và giao Chính phủ quy định điều kiện HTX, liên hiệp HTX thành lập doanh nghiệp, điều kiện góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

- Đối với hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội bộ (Điều 80, Điều 84): Dự thảo đã bổ sung tại khoản 2 Điều 84 quy định điều kiện HTX, liên hiệp HTX cho vay nội bộ khi bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn huy động trong và ngoài thành viên để thực hiện hoạt động cho vay nội bộ. Tại khoản 3 Điều 84 giao Chính phủ quy định chi tiết mức cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất, xử lý rủi ro từ hoạt động cho vay nội bộ và điều kiện đối với HTX, liên hiệp HTX thực hiện hoạt động cho vay nội bộ.

- Đối với Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia (Điều 85, Điều 87, Điều 88): Để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của HTX, liên hiệp HTX và tạo điều kiện để đưa nguồn vốn từ Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia vào phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả sử dụng vốn của HTX, liên hiệp HTX, dự thảo luật đã bổ sung quy định tại Điều 87 và Điều 88 về việc HTX, liên hiệp HTX được sử dụng Quỹ chung không chia nhàn rỗi để gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng; sử dụng Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia để làm tài sản bảo đảm khi vay vốn và phải bảo toàn vốn, tài sản, trừ các khoản Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn hỗ trợ của cá nhân, tổ chức có quy định HTX, liên hiệp HTX đó không được dùng làm tài sản bảo đảm khi vay vốn. Khoản lãi phát sinh từ việc gửi tiết kiệm được ghi nhận vào Quỹ chung không chia. Không được sử dụng các nguồn vốn thuộc quỹ chung không chia và tài sản chung không chia để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp nhằm hạn chế rủi ro, thất thoát tài sản chung của HTX, liên hiệp HTX. Ngoài ra, còn bổ sung nguyên tắc xử lý Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia của HTX, liên hiệp HTX trong các trường hợp tổ chức lại như chia, tách, hợp nhất, sáp nhập HTX, liên hiệp HTX (khoản 4 Điều 92, 93, 94 và Điều 95).

Về kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Chương VIII): Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết đã tiếp thu, rà soát, chỉnh lý và bổ sung các quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX tại Điều 105 và Điều 106 theo hướng khuyến khích thực hiện kiểm toán nội bộ tại HTX, liên hiệp HTX; đồng thời đề nghị chỉ bắt buộc phải kiểm toán độc lập đối với một số HTX, liên hiệp HTX mà trong hoạt động tài chính tiềm ẩn rủi ro như HTX quy mô lớn, liên hiệp HTX có từ 10 thành viên trở lên; HTX, liên hiệp HTX có hoạt động cho vay nội bộ hoặc có đề nghị thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hoạt động theo mô hình HTX. Nội dung kiểm toán, tần suất kiểm toán, tổ chức kiểm toán và một số nội dung cụ thể khác cũng đã được quy định tại Điều 106.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 gồm 12 Chương, 114 Điều. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận những nội dung trong Báo cáo của UBTVQH. Các vị đại biểu Quốc hội khi phát biểu thể hiện rõ quan điểm, đi thẳng về vấn đề, có phương án đề xuất cụ thể, các ý kiến tranh luận nêu rõ nội dung tranh luận, tránh trùng lắp nội dung và bảo đảm thời gian.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Tấn Quân cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra, đồng thời đại biểu gửi Văn bản đến Ban soạn thảo góp ý đối với các nội dung sau:

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi văn bản đến Ban soạn thảo góp ý về Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi văn bản đến Ban soạn thảo góp ý về Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Đại biểu cho rằng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này có vai trò rất quan trọng, tác động đến sản xuất, đời sống và xã hội ở vùng Dân tộc thiểu số. Các tổ chức Kinh tế tập thể là cầu nối giữa các hộ sản xuất người dân tộc thiểu số với thị trường đầu vào, đầu ra; thông qua các tổ chức Kinh tế tập thể, các thành viên trong cộng đồng dân tộc thiểu số giúp đỡ lẫn nhau về kiến thức, kinh nghiệm, vốn sản xuất và hỗ trợ giải quyết nhiều khó khăn khác trong đời sống xã hội…

Đại biểu nhấn mạnh so với mức trung bình, các tổ chức Kinh tế tập thể vùng Dân tộc thiểu số thường có số thành viên ít hơn, vốn nhỏ hơn, và hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, là khả năng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển của các tổ chức Kinh tế tập thể vùng Dân tộc thiểu số còn rất hạn chế. Vì vậy, nếu dự thảo Luật HTX (sửa đổi) được Quốc hội thông qua mà không có những sửa đổi, bổ sung cụ thể đối với các quy định, chính sách có tính đặc thù liên quan thì các tổ chức Kinh tế tập thể ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục gặp khó khăn như giai đoạn trước và khó có thể tiếp cận được các chính sách để phát triển.

Về Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn: Khoản 3 Điều 20 quy định về chính sách “Hỗ trợ lương, thưởng và phúc lợi để thu hút người lao động có chất lượng cao làm việc tại tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”. Đại biểu nhận định đây là một chính sách đã được nhiều địa phương vận dụng sáng tạo trong thời gian gần đây. Vì vậy, để nâng cao nguồn nhân lực và cả chất lượng hoạt động cho Hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật nội dung: “có quy định về hỗ trợ chi phí đào tạo nhân lực chất lượng cao là con em đồng bào dân tộc thiểu số, các thành viên Hợp tác xã; có chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực quản lý, nhân lực kế toán tại chỗ đối với tổ chức Kinh tế tập thể ở vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ chi phí đào tạo và hỗ trợ lương thưởng, phúc lợi để thu hút tri thức trẻ là con em người dân tộc thiểu số, con em thành viên Hợp tác xã tại địa phương”

Đại biểu cũng cho rằng quy định tại Khoản 5 Điều 20 dự thảo về “Hỗ trợ thông tin, tư vấn về pháp lý và các vấn đề khác trong quá trình thành lập, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản đối với Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã; chuyển đổi từ Tổ hợp tác thành Hợp tác xã”, là chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với hỗ trợ thành lập mới các tổ chức Kinh tế tập thể, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện khó khăn. Thực tiễn cho thấy, chính quyền địa phương và liên minh hợp tác xã đều xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã, nhưng không chỉ là hỗ trợ thuần tuý về thông tin, mà còn hỗ trợ về tập huấn nâng cao năng lực, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, con dấu, hỗ trợ hội nghị thành lập…). Như vậy, quy định trong dự thảo có nội dung, phạm vi hẹp hơn so với thực tiễn đã triển khai ở nhiều địa phương. Về nội dung này, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) năm 2012 quy định cụ thể hơn, rõ hơn. Vì vậy, đại biểu đề xuất nghiên cứu giữ nguyên điểm này trong Luật Hợp tác xã năm 2012 rãi dự thảo luật.

Đại biểu Dương Tấn Quân nhận định dự thảo luật chưa quy định hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình Kinh tế tập thể kiểu mới hoạt động hiệu quả (như đang triển khai đối với các hợp tác xã theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Bên cạnh chính sách hỗ trợ thành lập mới, chính sách phát triển các mô hình Kinh tế tập thể hiệu quả rất quan trọng, nhằm thúc đẩy và lan toả các điển hình Kinh tế tập thể, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản mới tại Điều 20 về “xây dựng, triển khai chính sách/đề án hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện, nhân rộng các mô hình tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số”.

Về Chính sách thuế, phí, và lệ phí, đại biểu nêu: Trong thực tế, các tổ chức Kinh tế tập thể vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn hơn so với các tổ chức Kinh tế tập thể ở những vùng khác. Áp dụng chính sách thuế và phí với mức ưu đãi cao hơn, thời gian ưu đãi dài hơn là cần thiết để hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế tập thể vùng dân tộc thiểu số.

Song, tại khoản 1, Điều 22 quy định tổ chức Kinh tế tập thể xác định “được hưởng mức ưu đãi thuế, ưu đãi phí và lệ phí cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật về thuế, phí và lệ phí”. Tiếp đó, khoản 3, Điều 22 quy định một số trường hợp được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện không có quy định về miễn, giảm thuế (hoặc ưu đãi cao hơn) đối với các tổ chức Kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 3, Điều 22, “quy định miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của tổ chức Kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số, của đồng bào dân tộc thiểu số” đồng thời bổ sung một khoản mới tại Điều 22 “quy định về mức và thời gian ưu đãi về thuế, phí, và lệ phí cao hơn cho các tổ chức Kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tiếp tục nội dung nghiên cứu góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh có văn bản góp ý gửi đến Ban soạn thảo để tiếp thu, chỉnh lý, với các nội dung góp ý đề xuất như sau:

đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý bằng văn bản dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia góp ý bằng văn bản dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Về giải thích từ ngữ: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị xem xét bỏ cụm từ “liên hiệp hợp tác xã” tại Khoản 3. Điều 4 Dự thảo Luật và bổ sung khái niệm về: “Giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã” tại Điều 4 của dự thảo. Đồng thời, bổ sung thêm các quy định liên quan đến các quy định về nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã, việc cấp lần đầu, cấp lại - khi có sự thay đổi liên tại quan đến các thành viên của liên hiệp hợp tác xã.

Đại biểu nhận định: Theo quy định tại Khoản7, Khoản 8 Điều 4 của Dự thảo quy định Hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã là 2 chủ thể khác nhau (Hợp tác xã bao gồm các thành viên là các cá nhân cụ thể; Liên hiệp hợp tác xã có thành viên là các tổ chức (hợp tác xã thành viên). Do vậy, không thể sử dụng giấy  “giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã”  chung cho hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.

Về chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp: Theo đại biểu Phúc nội dung quy định về chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Điều 28 dự thảo Luật là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo và Thẩm tra xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp..hoặc bổ sung làm rõ quy định để các hoạt động của các lĩnh vực này được hưởng chính sách hỗ trợ, tạo cơ hội tham gia của các lĩnh vực nhằm phát triển đa dạng, phát huy các thế mạnh của các đối tượng và góp phần bảo vệ về rừng và biển của nước ta vào dự thảo Luật.

Về tài sản góp vốn: Đại biểu phúc trích dẫn: Theo Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 được sửa đổi bổ sung số 28/2018/QH14, thì công nghệ đã bao gồm bí quyết kỹ thuật được thể hiện tại khoản 2 điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ quy định Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.

Do đó, đối chiếu với quy định khoản 1 điều 73 dự thảo Luật về nội dung “Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác, quyền khác định giá được bằng Đồng Việt Nam” là chưa phù hợp. Vì vậy đại biểu dề nghị xem xét bỏ cụm từ “bí quyết kỹ thuật” trong nội dung điều khoản này.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

;
.