Hướng tới mục tiêu thực hiện tự chủ đối với các cơ sở y tế

Thứ Sáu, 06/01/2023, 16:57 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.

Đoan DDBQ tinh tai phien hop chieu 6/1. Ảnh: CHÂU VŨ
Đoàn ĐBQH tỉnh tại Phiên họp chiều 6/1. Ảnh: CHÂU VŨ

TỰ ĐỊNH GIÁ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THEO PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ CỦA BỘ Y TẾ

Phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước. Các cơ quan cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia cũng như nhà khoa học. Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này cơ bản hoàn chỉnh và đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của ngành y tế.

Góp ý về quy định tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước tại Điều 108, đại biểu Dương Tấn Quân đồng tình với quy định theo phương án 2, trong đó quy định cơ sở khám chữa bệnh tự đảm bảo chi thường xuyên, được quyết định giá dịch vụ khác… Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tại Điều 110 dự thảo luật cũng đã đưa ra hai phương án, đại biểu Dương Tấn Quân đồng tình với phương án 2 nhằm mục tiêu hướng đến các đơn vị y tế phải tự chủ toàn bộ khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo được hoạt động, có tích lũy để tái đầu tư và có lợi nhuận phát triển. Theo đó, giá bao gồm tích lũy để tái đầu tư và cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trên cơ sở phương pháp định giá do Bộ Y tế quy định.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực tế hiện nay phòng khám, trung tâm y tế huyện có giường bệnh và phòng khám đa khoa có chức năng và phạm vi hoạt động tương đối khác nhau. Do đó, thời gian qua các đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế trong các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm trung tâm y tế, nhất là trung tâm y tế không có giường bệnh nội trú để cấp giấy phép hoạt động cho phù hợp với chức năng, tên gọi. Đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm quy định về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh về việc chỉ định chế độ ăn cho bệnh nhân trong khám bệnh, chữa bệnh.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HÀNH NGHỀ

Phát biểu góp ý kiến tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất với các quy định về kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cấp phép hành nghề của dự thảo Luật…

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất với các quy định về kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cấp phép hành nghề của dự thảo Luật. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất với các quy định về kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cấp phép hành nghề của dự thảo Luật. Ảnh: CHÂU VŨ

Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi khi triển khai thực hiện luật này sau khi được Quốc hội thông qua, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét việc giao nhiệm vụ (từ khâu chủ trì, phối hợp xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề đến ban hành, tổ chức kiểm tra, đánh giá, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại) cũng như tất cả các nội dung cho Hội đồng Y khoa Quốc gia cần có sự chia sẻ trách nhiệm để đảm bảo tính chặt chẽ. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, trong khi triển khai các nội dung này cần có sự tham gia của các địa phương. Các địa phương cũng cần có trách nhiệm trong việc tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề. Vì vậy, Hội đồng y khoa chỉ nên thực hiện các điều khoản đã được quy định tại Khoản 2, Điều 25 ngoại trừ Điểm c. Nội dung tại Điểm c nên giao cho các địa phương để cùng phối hợp và tiến hành tổ chức đánh giá năng lực hành nghề trên cơ sở phân cấp cho các địa phương với cơ cấu thành viên theo quy định của Bộ Y tế.

Đặc biệt, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng bày tỏ tâm đắc với ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề để phát huy tối qua tối đa hiệu quả cũng như tránh lãng phí về thời gian, công sức khi triển khai kể việc đánh giá và đánh giá lại năng lực đối với đội ngũ y, bác sĩ trong hành nghề.

CHÂU VŨ – PHÚC LƯU

;
.