Ông Trần Lưu Quang và ông Trần Hồng Hà được bổ nhiệm Phó Thủ tướng

Thứ Năm, 05/01/2023, 19:35 [GMT+7]
In bài này
.

* Miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực với ông Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng với ông Vũ Đức Đam.

Sáng 5/1, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể kỳ họp bất thường lần thứ hai.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu bỏ phiếu bầu chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu bỏ phiếu bầu chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp bất thường diễn ra ngay trong những ngày đầu năm 2023, đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2023), nhằm xem xét, quyết định các nội dung hết sức quan trọng. Rút kinh nghiệm từ thành công của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường” của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển

Dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021-2030 đã quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn 5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển. Cụ thể, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030. Đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn.

Tổ chức không gian phát triển quốc gia phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Chú trọng việc kết nối các hành lang kinh tế trong nước với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng nêu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc...

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch. Trong đó, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa - xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cùng với đó là phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây, vành đai kinh tế ven biển, vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

 

Tân Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, sinh ngày 30/8/1967, quê quán phường Trảng Bàng, TX.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Quản lý công, Kỹ sư cơ khí. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Bí thư Thành ủy Hải Phòng (từ 4/2021); Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng khóa XV; Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.

 

Tân Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, sinh ngày 19/4/1963, quê quán xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Học vị tiến sĩ, lý luận chính trị Cao cấp; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khoá XIV.

Miễn nhiệm và bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng

Chiều cùng ngày, với 483 đại biểu tán thành (96,99%), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khoá XV đối với các ông Phạm Bình Minh và Lê Minh Chuẩn.

Tiếp đó, với tổng số 476 đại biểu tán thành (95,97%), Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực đối với ông Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng đối với ông Vũ Đức Đam.

Sau khi miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực đối với ông Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng đối với ông Vũ Đức Đam, Quốc hội tiến hành bầu chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ. Với 481 đại biểu tán thành (96,98%), Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, nhiệm kỳ 2021-2026.

NGỌC NGUYỄN

;
.