HỘI NGHỊ LẦN THỨ 13 BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH

Bà Rịa - Vũng Tàu 'về đích' sớm chỉ tiêu xóa nghèo

Chủ Nhật, 04/12/2022, 12:59 [GMT+7]
In bài này
.

Trong chương trình Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 13, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. (ảnh dưới)

Từ đầu năm đến nay, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Các ngành kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Một số hoạt động kinh tế đạt kết quả nổi bật như: Giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 10,47% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 6,32% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 127,94% so cùng kỳ.

Thu hút đầu tư trong và ngoài nước của tỉnh với tổng vốn đăng ký quy đổi khoảng 2,07 tỷ USD. Toàn tỉnh có 1.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 596 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đang được thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu như: Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường 991B, Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận, dự án nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo… được tập trung triển khai thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu.

Đời sống của người dân được quan tâm, chú trọng. Lần đầu tiên, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xóa hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, “về đích” sớm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đề ra. Đây là nỗ lực, sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng tiếp tục được chú trọng thực hiện; hoạt động thông tin, truyên truyền, định hướng dư luận xã hội có nhiều đổi mới. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh…

Nhờ được vay vốn NHCSXH và chăm chỉ lao động, bà Trần Thị Liên (thứ 2, từ phải sang) vươn lên thoát nghèo, có kinh tế ổn định
Nhờ được vay vốn NHCSXH và chăm chỉ lao động, bà Trần Thị Liên (thứ 2, từ phải sang) vươn lên thoát nghèo, có kinh tế ổn định

Bên cạnh những mặt đã đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã nhận định những tồn tại, thách thức cần tiếp tục tập trung tháo gỡ. Trong đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 dự báo đến ngày 31/01/2023 sẽ đạt 95,12% nhưng đến nay mới chỉ đạt 54,4%. Do đó, việc hoàn thành chỉ tiêu này trong thời gian rất ngắn sắp tới là một thách thức, khó khăn rất lớn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương với tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trung hạn điều chỉnh là hơn 75 ngàn tỷ đồng; trong đó bổ sung vốn ngân sách tỉnh lần này là hơn 11 ngàn tỷ đồng dự kiến từ nguồn đấu giá đất.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất điều chỉnh chi ngân sách theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên từ 48% giảm còn 38% và tập trung phần lớn nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, tăng từ 50% lên 54%, và bảo đảm các nhiệm vụ chi khác theo quy định.

Trong chương trình làm việc, hội nghị thảo luận và cho ý kiến để thống nhất các nội dung: Báo cáo “Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng năm 2022"; Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Chủ trương thành lập thị trấn Kim Long thuộc huyện Châu Đức; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách tỉnh; Điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025; Sửa đổi, bổ sung quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022; Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2023. Phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2023; và một số nội dung quan trọng khác.

NHÓM PV

 

;
.