.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù

Cập nhật: 16:46, 10/11/2022 (GMT+7)

Chiều 10/11, sau khi thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tăng cường trách nhiệm quản lý của Nhà nước 

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản thống nhất với Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với 7 chương, 80 điều. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi 49 điều, bổ sung 29 điều, bổ sung 1 chương riêng về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ

Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần rà soát thể chế hóa cụ thể hơn nữa nội dung Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới, khuyến khích huy động sự tham gia, ủng hộ của toàn xã hội. Đặc biệt, cần tăng cường trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng đang dần phổ biến trong thời gian gần đây, nhưng chưa có những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng một cách chặt chẽ.

Thống nhất quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng

Đóng góp ý kiến về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng (điều 37, 38, 39, 40), đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, việc mua bán hàng qua thương mại điện tử đang dần phổ biến trong thời gian gần đây, nhưng quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể, rõ ràng, chưa có cơ chế bảo vệ cụ thể.

Thực tiễn vừa qua, đã xảy ra tình trạng người tiêu dùng mua hàng qua mạng không đúng chất lượng, bị lừa dối trong mua hàng, bị lừa đảo, mất tiền khi mua hàng qua mạng. Nhà nước cũng thất thu các khoản thuế đối với người bán hàng qua mạng…

Nhằm khắc phục tình trạng đó, lần đầu tiên, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã kip thời điều chỉnh các loại hình kinh doanh, giao dịch mới với người tiêu dùng như: Các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng mới có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số; bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.

Theo đó, giao dịch từ xa, bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù. Dự thảo cũng đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng…

Đồng thuận cao với những điểm bổ sung tiến bộ vào dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhận thấy, liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng cần rà soát và điều chỉnh thống nhất với quy định của các luật liên quan như: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thông tin, Luật Thuế… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát và thông tin rõ hơn về vấn đề này.

Mặc khác, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là vấn đề rất mới phát sinh từ thực tiễn, và mua hàng qua mạng được chuyên gia nhận định sẽ trở thành xu hướng phổ biến trong thời gian tới. Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đây là vấn đề mới, rộng và phức tạp nên cần phải quy định cụ thể chi tiết hơn, mặt khác cần nghiên cứu tổng kết, đánh giá vấn đề này từ thực tiễn của Việt Nam, kết hợp tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để đưa ra được quy định có thể điều chỉnh và giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong thực tiễn cũng như bảo đảm tính bền vững, lâu dài của Luật khi được thông qua, phát huy tác dụng điều chỉnh trong đời sống.

Chế tài phải đủ sức răn đe

Qua nghiên cứu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhận thấy để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin vào các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nội dung: “Chủ trì, xây dựng hệ thống, công cụ giám sát thị trường và cảnh báo sớm đối với các hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây hại cho người tiêu dùng” vào trách nhiệm của Bộ Công thương tại khoản 1, Điều 75 dự thảo Luật.

Về chế tài pháp lý đối với vấn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng nói riêng chưa có những chế tài đặc thù, đủ sức răn đe để xử lý các hành vi vi phạm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung có thể phải chịu chế tài dân sự, hành chính và chế tài hình sự.

Thực tiễn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho thấy các chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mức xử phạt chưa tương xứng với lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ hành vi vi phạm. Do đó, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bị phạt để vi phạm.

“Ban soạn thảo cân nhắc luật hóa, bổ sung cụ thể các chế tài xử lý vi phạm cụ thể (dân sự, hành chính, hình sự) đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào Luật, vì hiện tại, dự thảo luật mới quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Chương V là chưa đầy đủ”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

 

.
.
.