.

Xây dựng và triển khai Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là rất cần thiết

Cập nhật: 15:28, 09/11/2022 (GMT+7)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 9/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và tiến hành thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: CHÂU VŨ

Đại biểu cho rằng, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sự cố thiên tai, dịch bệnh, từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa thiên tai, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn đất nước.

Nhằm cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật hóa Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết.

Góp ý vào dự thảo luật tại Điều 2 về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung giải thích hai cụm từ là “khu vực sơ tán” và “khu vực tập kết”. Vì đây là nội dung quan trọng và trong thực tiễn, đây là những khu vực chúng ta phải chuẩn bị ngay từ khi chưa xảy ra thảm họa, sự cố, khi xảy ra các tình huống thiên tai thì đây là các khu vực sơ tán, phân tán để bảo đảm an toàn cho nhân dân. Đồng thời đây cũng là khu vực tập kết lực lượng, phương tiện để tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Về các hành vi nghiêm cấm tại Điều 9, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung thêm một khoản đó là cản trở hoặc không giao lực lượng, phương tiện khi địa phương huy động thực hiện dịch vụ phòng thủ dân sự. Lý do bổ sung thêm khoản này để khi có tình huống về thảm họa, sự cố, thiên tai khi địa phương huy động mà các tổ chức, cá nhân cản trở hoặc không giao lực lượng, phương tiện làm cơ sở chế tài để xử lý. Đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực của luật.

Tại khoản 2, Điều 12, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và kho dự trữ của các địa phương” vào sau cùng từ “kho dự trữ quốc gia”. Tại Chương 3 dự thảo luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị bổ sung thêm thêm cụm từ “Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy” vào trước cụm từ “cơ quan Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự” tại Điều 37 thay thế cụm từ “cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự bằng cụm trường, Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy và cơ quan Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự”.

Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý vào Điều 66 về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Đó là bổ sung cụm từ “Phối hợp với các bộ, ngành” vào trước cụm từ “chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự”, và bổ sung thêm cụm từ “xây dựng kế hoạch cấp quốc gia ứng phó các thảm họa, sự cố tại địa phương” vào sau cụm từ “kế hoạch phòng thủ dân sự”.

CHÂU VŨ – PHÚC LƯU

 

.
.
.