Nhiều ý kiến ĐBQH về trách nhiệm kiểm soát giá sách giáo khoa

Thứ Tư, 08/06/2022, 20:17 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, sáng 8/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính.

Trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các đại biểu Quốc hội về các giải pháp kiểm soát lạm phát và nâng cao hiệu quả tín dụng, xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng lạm phát là vấn đề toàn cầu, nền kinh tế của chúng ta có độ mở cửa rất lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài, nên cũng chịu áp lực của lạm phát. Trong thời gian tới, chính sách tiền tệ cũng sẽ phải theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ cũng như là tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn, đặc biệt cần kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thông qua Ban chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phân tích sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra những chính sách phù hợp.
Về giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng, xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong chỉ đạo, điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm các quy định cho vay phải đảm bảo đủ các điều kiện và trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu phát sinh. Trong thời gian vừa qua khi DN gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng đã  thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên nhóm nợ cho các DN để tạo điều kiện cho các DN tiếp tục được vay. Nhưng Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động trích lập dự phòng trong 3 năm để xử lý nợ xấu.
NGỌC NGUYỄN

Trong buổi chất vấn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về trách nhiệm kiểm soát giá sách giáo khoa (SGK) hiện nay.

Đề xuất đưa SGK vào Luật Giá sửa đổi

Nêu câu hỏi về giá SGK khi DN được xác định giá và kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng giá SGK là do Bộ Tài chính chứ không phải là Bộ GD-ĐT quy định. Câu hỏi đặt ra là Bộ Tài chính có chia sẻ gì về vai trò trách nhiệm thẩm định giá với SGK?

Bấm nút tranh luận, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho hay hơn 2 năm về trước, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Bộ GD-ĐT có kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung SGK vào danh mục nhà nước định giá nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và khi nào hoàn thành để người dân yên tâm trong bối cảnh sắp vào năm học mới?

Trả lời câu hỏi về vấn đề giá sách giáo khoa của các đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay giá SGK không phải mặt hàng nhà nước định giá mà được DN thực hiện. Nhà nước chỉ thẩm định giá đối với những loại sách, sản phẩm mua bằng ngân sách Nhà nước còn mặt hàng này người mua sẽ lựa chọn mua chỗ nào tốt nhất, giá rẻ nhất với tinh thần niêm yết giá công khai, minh bạch.

Về ý kiến đưa sách giáo khoa vào bình ổn giá theo Luật Giá, theo ông Phớc, đưa vào hay không là thẩm quyền của Quốc hội còn việc đề xuất các bộ tham mưu cho Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Về Luật Giá, ông Phớc cho biết cơ quan này đang sửa đổi theo lộ trình các kỳ họp tới. Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT đã có trao đổi và thống nhất đề xuất Chính phủ đưa SGK vào Luật Giá sửa đổi thời gian tới để Quốc hội xem xét quyết định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Đinh Thị Ngọc Dung đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Đinh Thị Ngọc Dung đặt câu hỏi chất vấn.

Yêu cầu DN tiết giảm chi phí

Giải trình thêm về vấn đề giá SGK, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay tại phiên thảo luận về KT-XH, ông đã có giải trình về vấn đề này.

“Thời gian sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính làm các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội để có giải pháp ổn định, lâu dài về giá sách giáo khoa. Bộ cũng đang tích cực soạn thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách trong tình hình hiện nay và quy cách này cũng sẽ tác động vào giá sách.” Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích.

Bộ GD-ĐT cũng đã có yêu cầu DN tiết giảm chi phí, các khâu trung gian, giảm chi phí phát hành… Bởi thực tế hiện nay, đang có tới 5 đơn vị đang biên soạn, xuất bản SGK nên với các đơn vị khác việc chỉ đạo, tác động sẽ khó khăn hơn.

Ngoài SGK, theo ông Sơn, có nơi có trình trạng bán kèm sách tham khảo, bài tập. Về việc này, Bộ đã có Thông tư 21 quy định về xuất bản phẩm trong trường học và nghiêm cấm hiệu trưởng, giáo viên ép buộc, gợi ý phụ huynh mua các sách không thuộc danh mục. “Danh mục SGK đã rất rõ ràng, vì vậy đề nghị lãnh đạo các địa phương giúp kiểm soát tại các trường học, tránh gây bức xúc trong dư luận”, ông Sơn nói.

XUÂN TÙNG

;
.